Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, theo kế hoạch từ ngày 30-7 đến 6-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới thăm Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia) và Pohnpei (Micronesia). Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng sẽ đi cùng ông Pompeo trong chuyến thăm Australia.
Điểm nóng biển Đông
Theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tuần tới, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tìm cách mở rộng vai trò an ninh, kinh tế và quản lý của Mỹ tại khu vực này.
Vị quan chức trên nêu rõ: “Ngoại trưởng sẽ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào một thời điểm quan trọng... Chúng tôi hoan nghênh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được công bố đã tái khẳng định những điều này, Mỹ sẽ nỗ lực mở rộng trong 3 lĩnh vực quan trọng: kinh tế, quản lý và an ninh”.
Cũng theo nguồn tin trên, các hoạt động diễn ra tại biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tới thăm khu vực. Một số vấn đề đã nổi lên, bao gồm cả việc các tàu cá bị đâm chìm, đi ngược với những tuyên bố quan tâm tới hòa bình và an ninh.
“Vì chúng tôi tới Đông Nam Á nên biển Đông là một phần then chốt. Đây sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận. Dường như sự quan tâm ngày càng gia tăng tại khu vực, cụ thể là các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), cũng như mong muốn đảm bảo bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng đều phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là luật biển. Những vấn đề này sẽ được nêu ra và chắc chắn rằng chúng tôi muốn đảm bảo sự ổn định tại đó”, quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Khó tin
Trong lúc cả thế giới đang dõi mắt theo các điểm nóng về an ninh trong khu vực, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc Trung Quốc vừa cho công bố tài liệu mang tên “An ninh quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới”.
Các chuyên gia cho rằng đây là nỗ lực giải thích và trình bày về chiến lược quân sự của Trung Quốc nhằm trấn an cộng đồng quốc tế. Trung Quốc muốn chứng tỏ quốc gia này là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Cụm từ “hợp tác” được tìm thấy 69 lần trong báo cáo này. Những lời lẽ có vẻ hòa hoãn trong báo cáo nhằm trấn an quốc tế, đưa ra hình ảnh một nước Trung Quốc hòa bình.
Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á của Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, nhận định vào lúc những nghi kỵ ngày càng lớn từ Mỹ đến châu Âu và đương nhiên là từ các nước láng giềng Đông Nam Á, về tham vọng quân sự, chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh bắt buộc phải “giải độc”. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đó chỉ là về hình thức bề ngoài, bởi tài liệu “An ninh quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” một lần nữa khẳng định thêm tham vọng của “một siêu cường quân sự”.
Theo ông Bondaz, Bắc Kinh nói rõ tăng cường sức mạnh cho quân đội là nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo vệ các tổ chức và định chế của Trung Quốc ở hải ngoại” và sẽ “phát triển căn cứ hậu cần ở các vùng ngoài lãnh thổ”.
“Vậy thì làm sao quốc tế có thể tin vào thiện chí hòa bình của Trung Quốc? Với một chiến lược và những mục tiêu rõ ràng như vậy, chắc chắn là căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á và nhất là tại biển Đông sẽ không giảm bớt”, chuyên gia Bondaz nói.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ: Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt NamHạ nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tuyên bố sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đây cũng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Ông ủng hộ Việt Nam và các đối tác khu vực của Mỹ để lên án hành động của Trung Quốc. |