Muốn giữ lợi thế
Đạo luật vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Công ty công nghệ Pinduoduo và Tập đoàn dầu khí PetroChina. Luật này yêu cầu các công ty đã niêm yết phải công khai liệu họ có thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không. Dù luật kể trên áp dụng cho mọi doanh nghiệp ngoại quốc, không phân biệt quốc tịch, nhưng giới quan sát cho rằng mục tiêu chính là các tập đoàn Trung Quốc.
Mục tiêu này càng rõ thêm khi sau khi thông qua dự luật này, Chính phủ của Tổng thống Trump đã thêm 77 công ty của Trung Quốc và các chi nhánh liên kết vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Trong đó có những cái tên gây chú ý trong lĩnh vực khoa học công nghệ như nhà sản xuất chip hàng đầu của Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), công ty chuyên về drone lớn nhất thế giới DJI, Công ty Công nghệ sinh học AGCU Scientech, Công ty Vật liệu và dụng cụ khoa học quốc gia Trung Quốc (CSIMC) và Công ty Công nghệ Kuang-Chi Group. Với việc lọt vào danh sách trên, các công ty này, trong đó có cả tập đoàn khổng lồ SMIC chuyên chế tạo chip, sẽ bị tước quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ và sẽ không còn có thể hưởng lợi từ vốn của Mỹ. Các công ty trước đó đã được cho vào danh sách gồm có gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co và ZTE Corp.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đưa ra hành động trên là do Bắc Kinh muốn khai thác các công nghệ dân sự cho mục đích quân sự dù nhiều công ty, trong đó SMIC liên tục phủ nhận. Phía dư luận cho rằng việc ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ nhằm đảm bảo Washington tiếp tục nắm lợi thế về công nghệ di động 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều công nghệ khác.
Hành động phân biệt đối xử?
Động thái trên được coi là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc của mình, trong cuộc chiến kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại cùng nhiều vấn đề kinh tế khác. Theo giới phân tích, nhìn vào các công ty bị đưa vào danh sách đen lẫn dự luật vừa được thông qua cho thấy, Nhà Trắng một lần nữa xoáy vào điểm gây nhức nhối tại Trung Quốc đó là công nghệ cao, lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giống như nhiều lần trước, các bước đi cứng rắn đối với doanh nghiệp Trung Quốc của Chính phủ Tổng thống Donald Trump đều được giới lập pháp Mỹ bày tỏ sự ủng hộ.
Về phía Trung Quốc, chính phủ nước này cho rằng, Tổng thống Trump đang làm Bắc Kinh lo ngại và đây là hành động phân biệt đối xử. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Mỹ nên chọn đối thoại và tham vấn với Trung Quốc, thay vì theo đuổi các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các công ty Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng áp dụng quá mức khái niệm an ninh quốc gia vào các công ty nước này.
Bắc Kinh cũng ngay lập tức có động thái được cho là trả đũa. Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo nước này đã đưa ra các quy định mới cho phép chính quyền xem xét lại hoạt động đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia. Theo NDRC, hệ thống rà soát của NDRC sẽ kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quân sự cũng như nắm giữ cổ phần kiểm soát trong các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, công nghệ internet và dịch vụ tài chính. NDRC nêu rõ việc công bố các quy định mới về đầu tư nước ngoài không phải dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ hoặc phản đối các chính sách mở cửa. Theo NDRC, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Đức và Nhật Bản cũng đã thiết lập hoặc cải thiện hệ thống rà soát cơ chế đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.