Khủng hoảng chưa từng có
Báo cáo của ILO ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ Latinh và Caribe, với mức tăng 2,5% so với 5 năm trước (từ 8,1% lên 10,6%). Điều này có nghĩa số người không thể tìm được việc làm tăng thêm 5,4 triệu và tổng số người thất nghiệp tại khu vực tính tới nay là 30,1 triệu, cao nhất trong những thập niên gần đây.
Giám đốc khu vực của ILO, ông Vinicius Pinnheiro khẳng định, đây là cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có trong lịch sử kể từ khi các báo cáo về thị trường lao động bắt đầu được xuất bản từ năm 1994. Quan chức ILO dự báo, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực này năm 2021 sẽ lên tới 11,2%, tăng 0,6% so với năm 2020.
Cũng theo ông Pinnheiro, tình hình việc làm hiện nay là một trong những vấn đề cần quan tâm, bởi cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Do đó, ông nhấn mạnh, trước viễn cảnh này, các quốc gia trong khu vực hiện phải đối mặt với thách thức đặt nền móng cho một quy chế bình thường mới và tốt hơn, điều này có nghĩa sẽ áp dụng các chiến lược để tạo ra nhiều việc làm hơn và tốt hơn, khi các hoạt động sản xuất được kích hoạt trở lại và tình trạng khẩn cấp y tế được kiểm soát.
Ông khẳng định hiện nay điều cần thiết là đạt được tăng trưởng kinh tế với việc làm, vốn là giải pháp cốt yếu để giảm nghèo và chống lại sự gia tăng của bất bình đẳng - hậu quả mà đại dịch Covid-19 đem lại.
Tạo việc làm - bài toán nan giải
Phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế vốn đã suy yếu của khu vực Mỹ Latinh. Ngày 13-11, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes tuyên bố, chính phủ nước này có khoảng 18 tháng để đưa ra các sáng kiến, nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang trạng thái “tăng trưởng bền vững”, thay vì tiếp tục các biện pháp “phục hồi nền kinh tế” như hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ là thách thức đối với chính phủ Brazil trong thời gian tới.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil cho rằng, thay vì tập trung vào đẩy mạnh tiêu dùng, thách thức hiện nay là tìm cách mở rộng năng lực sản xuất. Ngoài ra, ông Guedes nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc kiểm soát nền tài chính công, thông qua việc tuân thủ các quy định về mức trần chi tiêu công, nhằm thay đổi tư duy hiện nay là dựa vào các khoản đầu tư của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hiệp quốc từng dự báo, GDP của Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay. Điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất khu vực trong nhiều thập niên, với hàng triệu người nghèo và thất nghiệp mới, cũng như khoét sâu sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Đứng trước nguy cơ của một cuộc “khủng hoảng kép”, bên cạnh một Brazil đang chủ trương xây dựng các kế hoạch chuyển hướng nền kinh tế, các nước trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã có những sáng kiến kích thích kinh tế để giải bài toán lao động việc làm trong thời gian tới.
Cụ thể, Argentina đề ra sáng kiến kết nối kỹ thuật số tại các khu vực khó tiếp cận trên lãnh thổ của quốc gia này bằng cách phát triển và xây dựng hệ thống vệ tinh, chuyển đổi giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng cấp địa phương… với kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của 12 triệu dân tại nước này. Chính phủ Peru thì đầu tư hơn 5,7 tỷ USD để kích hoạt lại nền kinh tế thông qua lĩnh vực đầu tư công...
Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để lại chưa có hồi kết và đây là cuộc chiến không thể kết thúc dễ dàng nếu như các chính phủ không chủ động vực dậy nền kinh tế khi còn trong đại dịch.