Triển khai gấp cải cách
Đó là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong bối cảnh Mỹ Latinh tiếp tục là “tâm chấn” của Covid-19. Dù vậy, WB dự báo nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2021 nhờ nỗ lực tăng tốc tiêm chủng và giảm số ca tử vong. Tuy nhiên, mức tăng này không thể đảo ngược hoàn toàn mức sụt giảm 6,7% trong năm 2020 khi các chính phủ khu vực và Tổ chức Y tế liên Mỹ vẫn đang kêu gọi tăng cường tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19.
Brazil và Mexico là 2 quốc gia có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất khu vực (thứ hai và thứ ba thế giới). Ngày 1-10, WB đã phê duyệt khoản vay trị giá 500 triệu USD để tăng cường nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của Argentina. Khoản vay này sẽ được sử dụng mua vaccine cho hơn 30% dân số và hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch tiêm chủng quốc gia.
Thiếu hụt cơ sở hạ tầng của Mỹ Latinh và Caribe cũng đang là vấn đề lớn. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ ước tính thiếu hụt cơ sở hạ tầng của khu vực khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Việc thu hẹp khoảng cách đó đòi hỏi đầu tư vào lĩnh vực này phải tăng lên khoảng 70%, đủ lớn đối với nhiều bên tham gia, và khu vực này có thể hưởng lợi từ việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác đầu tư. Tăng khả năng tiếp cận giáo dục là một trong những thành tựu to lớn trong nửa thế kỷ qua ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, giờ đây, số lượng học sinh bỏ học ngày càng tăng khiến những tiến bộ đạt được sau nhiều năm có nguy cơ đổ vỡ.
Sự phụ thuộc vào Internet để duy trì giáo dục cũng đang khiến sự bất bình đẳng tăng lên và có thể thay đổi khu vực này trong thập niên tới. Định chế tài chính này khuyến nghị Mỹ Latinh khẩn trương triển khai các cải cách đã bị trì hoãn quá lâu (nhưng còn khả thi) trong các lĩnh vực như hạ tầng, y tế, giáo dục, chính sách năng lượng và đổi mới sáng tạo...
Xem xét các ưu tiên
Ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, Mỹ Latinh đã đối mặt với tình hình kinh tế trì trệ. Từ cuối tháng 1-2020, dòng vốn chảy vào Brazil, Chile, Colombia và Mexico là 18,6 tỷ USD. Nhưng đến cuối tháng 3, dòng vốn đảo ngược, chảy ra khỏi các nước này là 15,6 tỷ USD, gây căng thẳng nghiêm trọng cho tỷ giá hối đoái đối với đồng real của Brazil và đồng peso của Chile, Colombia và Mexico. Mexico đã ghi nhận tổng số vốn đầu tư chuyển đi tới 12,6 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe, nền kinh tế khu vực chỉ tăng trưởng trung bình 0,3%/năm trong giai đoạn 2014-2019, thấp nhất từ những năm 50 của thế kỷ trước. Do đó, khi đại dịch tràn qua, nó có nguy cơ lấy đi một thập niên phát triển của khu vực với thu nhập bình quân đầu người giảm sâu. Năm 2019, Mỹ Latinh ghi nhận mức tăng trưởng 0,8%, trước khi sụt giảm 6,7% trong năm 2020.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng kích hoạt chuyển dịch cơ cấu kinh tế quy mô lớn với năng suất cao hơn trong các lĩnh vực mở rộng so với các lĩnh vực ký kết ở khu vực này. Quá trình số hóa được đẩy nhanh có thể tạo ra sự năng động cho thị trường tài chính, thương mại và lao động nhưng nó có thể làm tăng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia trong khu vực.
WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ Latinh năm 2022 và 2023 xuống dưới 3%. Theo cảnh báo của WB, quá trình hồi phục của Mỹ Latinh sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ dịch Covid-19 tái phát, áp lực lạm phát kéo dài, nợ doanh nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng. Do đó, WB cho rằng các nước trong khu vực cần xem xét lại những ưu tiên chi tiêu công cũng như nâng cao hiệu quả các khoản chi này và tăng cường các nguồn thu.