“Điều này giống như có thêm một sinh viên nữa trong căn phòng này và đang giúp đỡ mọi người. Sinh viên ứng dụng công nghệ này trong nhiều việc, để suy nghĩ, để tổng hợp thông tin, hay để cải thiện ngữ pháp”, ông Martinez nói. Không chỉ ở Chile, tại Colombia, Brazil, Mexico…, các giảng viên và sinh viên đại học cũng đang thường xuyên sử dụng chatbot ChatGPT.
Trên thực tế, các trường đại học ở Mỹ Latinh đang tranh luận về lợi ích và những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại trong giáo dục đại học và xã hội. Nhiều người cảnh báo công nghệ này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đạo văn, gian lận trong học tập và sản sinh nhiều thông tin sai lệch hơn, qua đó kêu gọi siết chặt hơn nữa quy định về AI tạo sinh. Giảng viên Martinez lưu ý, mặc dù ChatGPT có thể giúp cải thiện hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học tập, nhưng sinh viên cần chọn lọc kỹ lưỡng khi tiếp cận và giáo viên cần đưa ra những khuyến nghị sử dụng sao cho phù hợp nhất.
Ở Mexico, các trường đại học như Học viện Công nghệ Monterrey đã chia sẻ các đề xuất với giáo viên và sinh viên về việc sử dụng chatbot một cách có đạo đức, chẳng hạn như việc sử dụng văn bản do AI viết và kiểm tra kỹ các nguồn mà nó cung cấp. Ông Edward Bermudez, người đồng soạn thảo khuyến nghị về AI cho Đại học Ibero - Mỹ ở Mexico City, nêu rõ: “Chúng tôi cần sinh viên có trách nhiệm khi sử dụng AI. Họ phải suy nghĩ thấu đáo về việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức, tránh bị trừng phạt về việc đã sử dụng công nghệ”.
Thách thức chính mà các trường đại học phải giải quyết là làm thế nào để đảm bảo việc sử dụng ChatGPT một cách phổ biến không dẫn đến nhiều gian lận hơn. Một số giảng viên cảnh báo sẽ hủy điểm của sinh viên nếu phát hiện họ sử dụng ChatGPT, trong khi các giảng viên khác lại giao ít bài tập về nhà hơn, tăng cường các bài kiểm tra, viết tiểu luận và kiểm tra miệng ngay tại lớp học. Ngoài ra, nhiều sinh viên cũng bày tỏ lo ngại rằng AI có khả năng tạo ra các công cụ khiến một số nghề trở nên lỗi thời, chẳng hạn như lập trình viên, trợ lý luật sư và phân tích dữ liệu, qua đó đặt dấu hỏi về giá trị của tấm bằng đại học.
Những lo ngại về đạo văn đã khiến một số trường đại học như Sciences Po - một trong những trường đại học hàng đầu của Pháp, cấm sử dụng ChatGPT từ tháng 1 vừa qua. Trường Đại học RV tại Bengaluru của Ấn Độ cũng đưa ra quy định tương tự. Tại Mỹ và Australia, một số trường trung học đã cấm sử dụng ChatGPT để ngăn gian lận. Tuy nhiên, ở Mỹ Latinh, hầu hết các trường đại học đang triển khai cách tiếp cận thực tế hơn là ban hành khuyến nghị sử dụng ChatGPT. Theo giáo sư triết học Andrés Peez của Đại học Los Andes (Colombia), các trường đại học ở nước này chưa có quy định chính thức về việc sử dụng ChatGPT, cũng như không có kế hoạch cấm ứng dụng này. Nhiều trường đại học đang phó mặc cho đội ngũ giảng viên quyết định cách tốt nhất để kết hợp ChatGPT vào bài giảng và giám sát việc sinh viên sử dụng ứng dụng này.