Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi WHO: “Hành động không hợp lý”

Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez ngày 8-7 thông báo, Nhà Trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tác động không nhỏ

Trên tài khoản Twitter, Thượng nghị sĩ Mỹ Menendez cho biết, quyết định bắt đầu tiến trình rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6-7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ). Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có 1 năm để hoàn tất tiến trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.

 Chậm trễ trong ứng phó khiến Mỹ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.  Ảnh: AP
Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với WHO cùng cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Trước đó, ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19. Còn trong bức thư đề ngày 18-5 gửi Tổng Giám đốc WHO, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, tổ chức này có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.


Thời gian qua, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia y tế. Chủ tịch Hiệp hội Y tế Mỹ Patrice Harris từng nhận định: “Việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều... Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động nguy hại đáng kể ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm, phát triển vaccine và thuốc điều trị để chống lại đại dịch Covid-19”.

Nội bộ bất đồng

Theo website của WHO, Mỹ phải thông báo về việc rút khỏi tổ chức trước 1 năm cũng như thanh toán mọi chi phí trách nhiệm của Washington với WHO theo nghị định chung của Quốc hội Mỹ năm 1948. Mỹ hiện đang nợ WHO hơn 200 triệu USD. Trong khi đó, nội bộ chính quyền Mỹ cũng có những bất đồng về việc rút lui này. Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã mô tả quyết định rút khỏi WHO của Tổng thống Donald Trump là một hành động vô cảm khi WHO đang là đơn vị điều phối cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19. “Với hàng triệu mạng sống bị đe dọa, Tổng thống Donald Trump đang phá hủy nỗ lực quốc tế trong việc bài trừ virus SARS-CoV-2”, bà Pelosi viết trên Twitter. 

Quyết định của ông Donald Trump cũng có thể bị đảo ngược trước khi có hiệu lực nếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, trúng cử. Ông Joe Biden tuyên bố sẽ đảm bảo nước Mỹ vẫn là thành viên của WHO nếu ông giành được chiến thắng và trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Ông Biden viết trên Twitter: “Người Mỹ sẽ an toàn hơn khi Mỹ góp sức vào việc tăng cường sức khỏe toàn cầu. Vào ngày đầu tiên tôi làm tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường thế giới”.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ cũng cáo buộc ông Donald Trump đang tìm cách làm chệch hướng những chỉ trích về cách ông xử lý đại dịch đang hoành hành tại Mỹ bằng quyết định trên. Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại, nhận xét, quyết định rút khỏi WHO sẽ không bảo vệ cuộc sống hay lợi ích của người dân Mỹ, nó chỉ khiến người Mỹ bị bệnh và nước Mỹ trở nên đơn độc.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, không thể có miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Các biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc, giữ vệ sinh và đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 8-7, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 11.941.601 ca mắc virus SARS-CoV-2, 545.651 ca tử vong, 6.844.973 ca phục hồi. Hiện vẫn còn 4.550.977 ca phải điều trị, trong đó số ca nặng phải điều trị tích cực chiếm 1%.

Tin cùng chuyên mục