Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Đây là tuyên bố hiếm hoi của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump về cách tiếp cận riêng biệt đối với khu vực này trong khi sự phối hợp với Trung Quốc vẫn còn là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên và những tranh cãi về vấn đề biển Đông. Bộ trưởng Mattis đã trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền mới tại Mỹ về khu vực này, nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan; tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và an ninh của mình; coi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng. Theo ông Mattis, 60% khí tài chiến thuật trên không của Mỹ ở nước ngoài sẽ sớm được phân bổ tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Liên quan tới vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nêu rõ Washington không chấp nhận hành động quân sự hóa và triển khai vũ khí của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp tại biển Đông. Mỹ cũng cho rằng mọi hành động thay đổi nguyên trạng tại biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Nhìn nhận về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước trên đều nhất trí cho rằng ASEAN có tầm quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như trong việc bảo vệ pháp trị, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực mạnh mẽ và toàn diện, trong đó ASEAN là trung tâm. Đề cập đến thách thức an ninh từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Đông Nam Á, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Indonesia và sự gia tăng hoạt động của nhóm khủng bố Maute thân IS tại Philippines, đại diện các nước trên cho rằng để giải quyết mối đe dọa này, khu vực cần hợp tác để ngăn chặn ảnh hưởng của IS tại Đông Nam Á.