Hai bên đồng ý tăng cường hợp tác quân sự song phương. Bắc Kinh mời bộ trưởng Hàn Quốc công du Trung Quốc vào năm tới nhằm “đẩy mạnh các trao đổi và hợp tác song phương trong lĩnh vực phòng thủ, bảo đảm ổn định trong khu vực”.
Mâu thuẫn chưa dứt
Động thái Trung Quốc xích lại gần một đồng minh của Mỹ trong khu vực diễn ra trong bối cảnh Washington và Seoul đang hục hặc về đóng góp chi phí quân sự, bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc. Nhà Trắng đòi Seoul chi ra gần 5 tỷ USD, thay vì chưa đầy 1 tỷ USD như hiện nay, để duy trì sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Dưới áp lực của Chính phủ Mỹ, trong năm 2019, Hàn Quốc đã đồng ý tăng thêm 8% khoản đóng góp so với hồi 2018.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, số tiền 923 triệu USD tăng thêm của Hàn Quốc vẫn chưa đủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa rút một phần lực lượng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc về nước, nếu Seoul không thỏa mãn yêu cầu của Washington. Liền sau đó, báo giới Hàn Quốc nêu lên khả năng Lầu Năm Góc giảm quân số tại Hàn Quốc, có thể là rút đến 4.000 lính về Mỹ. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sau đó đã bác bỏ tin trên nhưng dư luận Hàn Quốc vẫn nêu lên nhiều nghi vấn về quan hệ chiến lược với Mỹ.
Trong bài xã luận hôm 18-11, báo The Korea Times cảnh báo, Washington coi chừng “già néo đứt dây”. Theo tờ báo này, “liên minh quân sự Mỹ - Hàn có nguy cơ đổ vỡ” vì những “đòi hỏi thô bạo quá đáng của Washington”. Tờ báo này chỉ trích khá nặng rằng Mỹ đang biến liên minh chiến lược với Hàn Quốc thành một phương tiện để “moi tiền”. Một thăm dò tại Seoul cho thấy, có tới 96% người Hàn Quốc nghĩ là Washington đang dùng lá bài an ninh để bắt chẹt Chính phủ Hàn Quốc. Công luận cho rằng, đã đến lúc Hàn Quốc cần phải cưỡng lại những yêu sách của Washington.
Tận dụng thời cơ
Seoul còn bất bình trước những áp lực của Mỹ đòi Hàn Quốc thông qua một thỏa thuận tay ba Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc về chia sẻ thông tin quân sự. Khúc mắc hiện nằm ở chỗ 2 đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ đã có một thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự nhưng văn bản này sẽ hết hiệu lực vào ngày 23-11-2019 và trên nguyên tắc sẽ được gia hạn thêm. Tuy nhiên, từ mùa hè vừa qua, Tokyo và Seoul đã lao vào một cuộc chiến thương mại. Nhật Bản dọa giới hạn, thậm chí là cấm bán một số nguyên liệu cần thiết cho nền công nghiệp Hàn Quốc. Để trả đũa, Seoul tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận hợp tác quân sự nói trên với Tokyo. Ngoài ra, thái độ “thân thiện quá đáng” của Tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng làm Seoul “nóng mặt” bởi thực tế, vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn đe dọa an ninh Hàn Quốc.
Trong bối cảnh kênh đối thoại giữa Seoul và Washington bị tắc nghẽn, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ để tranh thủ cảm tình của Hàn Quốc vì ít nhất 3 mục đích. Những đợt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc thưa thớt dần là một tin vui đối với Bắc Kinh. Liên minh quân sự Mỹ - Hàn càng có dấu hiệu rạn nứt, và trong trường hợp Washington giảm quân số đóng tại Hàn Quốc thì Trung Quốc lại càng mừng. Thân thiện với Seoul để chọc tức Washington có thể là một giải pháp tốt trong thời điểm này. Tiếp đến, Bắc Kinh lo ngại một khi đã rút khỏi Hiệp định Tên lửa tầm trung (INF), Mỹ lại càng hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh, đưa tên lửa tầm trung đến Nhật Bản và Hàn Quốc, sát cạnh với Trung Quốc. Đây là kịch bản mà Bắc Kinh không hề mong muốn xảy ra. Cuối cùng, về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, liên quan đến an ninh của toàn khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc luôn đóng vai trò trung tâm và Bắc Kinh thừa biết rằng để đạt được một số kết quả cụ thể, phải cần có tiếng nói của Seoul.