Mâu thuẫn nội bộ
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cơ quan này đã nhận được yêu cầu của hơn 350 công ty Mỹ đòi giữ nguyên mức thuế này. Tuyên bố của USTR nêu rõ: “Do tiếp tục nhận được các yêu cầu, nên các hành động thuế quan vẫn chưa bị bãi bỏ và USTR sẽ xem xét các hành động thuế quan”.
Tuyên bố lưu ý rằng Chính phủ của Tổng thống Joe Biden có thể thực hiện các thay đổi và quyết định cuối cùng sẽ đánh giá tác động của những hành động đó đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả người tiêu dùng.
Tổng thống Joe Biden đã cân nhắc liệu có nên dỡ bỏ một số loại thuế quan của người tiền nhiệm cũng như cách thức tiến hành, trong bối cảnh chịu áp lực phải đưa ra một số biện pháp kiềm chế lạm phát đang tăng cao. Tuy nhiên, nhóm làm việc của ông Biden chưa thống nhất được kế hoạch ngừng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc đẩy việc giữ nguyên các mức thuế trừng phạt. Theo bà Katherine Tai, điều quan trọng là phải bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ. Lý do là thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc là một đòn bẩy quan trọng trong đàm phán thương mại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lập luận rằng một số loại thuế không phục vụ mục đích chiến lược và việc điều chỉnh lại có thể giúp làm giảm lạm phát, vốn đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua đang gây khó khăn cho các hộ gia đình ở Mỹ.
Vào năm 2019, Tổng thống Donald Trump khi tại nhiệm đã áp thuế đối với khoảng 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc để trả đũa việc Bắc Kinh vi phạm quyền tài sản trí tuệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Vào đầu năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý với thỏa thuận giai đoạn một.
Qua đó, Mỹ giảm một số thuế quan để đổi lấy việc Bắc Kinh cam kết giải quyết vấn đề lấy cắp tài sản trí tuệ và mua 200 tỷ USD hàng hóa thuộc lĩnh vực năng lượng, nông trại và sản xuất cùng với dịch vụ cho đến hết tháng 12-2021. Tổng thống Biden đã giữ nguyên mức thuế quan này sau một năm bước vào nhiệm kỳ tổng thống của mình, khi dữ liệu liên tục cho thấy Trung Quốc không đạt được cam kết mua hàng của Mỹ.
Mang ý nghĩa chính trị
Theo giới phân tích, khi tăng thuế hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ buộc phải trả nhiều tiền hơn, hoặc giảm chi tiêu. Theo ước tính, mỗi năm thuế quan cao đã làm tăng thêm 1% trong chỉ số giá tiêu dùng, thước đo lạm phát của nền kinh tế Mỹ.
Theo Nghiên cứu của hãng định mức tín dụng Moody’s, 2 năm sau khi áp thuế (lúc chưa bị tác động bởi dịch Covid-19), các mức thuế quan mỗi năm lấy đi của kinh tế Mỹ khoảng 300.000 việc làm và làm hụt 0,3% trong tăng trưởng GDP.
Còn nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương chi nhánh New York và Đại học Columbia cho thấy, các công ty Mỹ để mất ít nhất 1,7 ngàn tỷ USD trong giá trị cổ phiếu do áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến việc kinh doanh giảm sút. Có thể thấy, những khó khăn kinh tế đang gia tăng sức ép, khiến Chính phủ Tổng thống Biden không thể không cân nhắc dỡ bỏ thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.
Cũng có dư luận cho rằng, động thái giảm thuế mang ý nghĩa chính trị, ít thực chất, bởi sắp đến bầu cử giữa kỳ nên chính phủ muốn xoa dịu người tiêu dùng Mỹ, doanh nghiệp nhập khẩu, trước thực tế lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao.
Nó không có tác động lớn nếu đúng như dự đoán Mỹ chỉ gỡ bỏ thuế bổ sung lên hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử, mà không gỡ bỏ thuế lên hàng công nghệ, sắt thép - vốn chiếm giá trị xuất khẩu cao. Trong khi đó, Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với một số phản ứng dữ dội nếu ông chọn giảm đáng kể các mức thuế quan.