Xem xét chính sách thuế
Tuyên bố mới nhất từ Nhà Trắng cho biết, chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại chính sách thuế đối với EU. Trước đó, chính phủ của ông Donald Trump đã quyết định áp mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng của châu Âu, trong đó có rượu và các phụ tùng máy bay, có hiệu lực từ ngày 12-1. EU phản đối biện pháp trên và đáp trả bằng đòn thuế trừng phạt đối với 3,4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm vào sản phẩm xe máy Harley-Davidson, quần jean Levi Strauss, rượu whisky.
Động thái mới từ Nhà Trắng cho thấy, tân chính phủ Mỹ đang cân nhắc cải thiện quan hệ với EU trong lĩnh vực kinh tế nhằm hồi sinh mối quan hệ ngoại giao giữa hai bờ Đại Tây Dương, hướng tới giải quyết các thách thức toàn cầu. Đây cũng là mong muốn của giới chức ngoại giao Đức, Pháp, Anh và Mỹ trong cuộc họp trực tuyến vừa kết thúc ngày 5-2.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đưa ra tuyên bố, đang cân nhắc nêu đề xuất đóng băng các chính sách thuế nhằm vào nhau trong 6 tháng với ông Joe Biden khi bà có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ tới đây.
Trước đó, các cố vấn thương mại của bà Von der Leyen từng đề xuất với Chủ tịch EC việc yêu cầu chính phủ Mỹ tạm ngừng áp thuế trừng phạt đối với các mặt hàng máy bay, phụ tùng máy bay, kim loại. Bước đi này được cho là sẽ giúp hai phía có thêm thời gian để đàm phán về một thỏa thuận dài hạn hơn.
Nếu diễn ra như kế hoạch, cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden lên nhậm chức sẽ diễn ra vào thời điểm mang tính bước ngoặt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. EU mong muốn chấm dứt những tranh cãi kéo dài xung quanh những vấn đề về sản xuất, kinh doanh máy bay từng tồn tại 17 năm qua, đồng thời cài đặt lại quan hệ Mỹ - EU vốn đã rớt xuống đáy trong thời kỳ nắm quyền của ông Donald Trump.
Lợi ích chung
Trong giai đoạn hiện nay, việc EU và Mỹ tiến lại gần nhau hơn mang lại lợi ích cho hai bên. EU muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, không chỉ để giải quyết tranh chấp thương mại mà còn liên quan đến các ưu tiên của EU như chính sách khí hậu và chuyển đổi kỹ thuật số. Về thương mại, trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Joe Biden đã chỉ trích chính sách bảo hộ của chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Vì vậy, EU cho rằng Tổng thống Mỹ sắp tới sẵn sàng rút lại các mức thuế quan do người tiền nhiệm áp đặt, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp của ông Donald Trump không làm thay đổi quan hệ thương mại có lợi cho Mỹ (thặng dư của EU với Mỹ năm 2019 đã tăng 33% so với năm 2016).
Ngoài các vấn đề song phương, mối quan hệ của cả Mỹ và châu Âu với Trung Quốc sẽ là trung tâm của sự chú ý. EU và Mỹ theo đuổi những nỗ lực chung nhằm đạt được sự “có đi có lại” trong quan hệ kinh tế với đối tác châu Á này, đồng thời loại bỏ các quy định tiêu cực như ép buộc chuyển giao công nghệ hoặc tìm cách thâu tóm các công ty công nghệ của những công ty Trung Quốc được chính phủ nước này hỗ trợ.
Nhận định về các động thái mới từ Chính phủ Mỹ, giới quan sát cho rằng nhiều khả năng chính sách thương mại của chính phủ Mỹ nếu có thay đổi thì cũng sẽ diễn ra một cách từ từ, thận trọng và đi theo lộ trình chứ không thể nhanh chóng có sự thay đổi lớn.
Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ Tổng thống Joe Biden sẽ ưu tiên theo đuổi chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm, chứ không phải tập trung vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hoặc thu được lợi nhuận cao thông qua việc thúc đẩy các công ty của Mỹ giữ việc làm ở trong nước hơn là mở rộng đầu tư ra nước ngoài.