Sự kiện thời tiết lịch sử
Đám cháy rừng Caldor đã bùng phát trong dãy Sierra Nevada từ giữa tháng 8, đến nay lan rộng tới 80.000ha, sang phía Meyers - một cộng đồng ở phía Đông South Lake Tahoe. Dự báo, gió lớn có thể khiến đám cháy Caldor lan rộng hơn vào Tahoe Basin, tiến sát vào cộng đồng dân cư và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Từ ngày 30-8, toàn bộ khu vực South Lake Tahoe đã được lệnh sơ tán.
Trong khi đó, cảnh báo của Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ nêu rõ, hoàn lưu bão Ida đã gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ quét tại thành phố New York và Đông Bắc New Jersey; đặc biệt, rất dễ xảy ra lốc xoáy tại Manhattan và Bronx ở thành phố New York, kéo theo các mảnh vỡ bay nguy hiểm, lũ lụt và mất điện. Cơ quan này kêu gọi người dân ở trong nhà, tìm nơi trú ẩn.
Phát biểu trên đài NY1, Thị trưởng New York Bill de Blasio coi đây là “sự kiện thời tiết lịch sử” với lượng mưa kỷ lục trên toàn thành phố, kéo theo lũ lụt và các tình huống nguy hiểm trên đường. Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, hơn 11.000 hộ gia đình tại New York đang chịu cảnh mất điện, đặc biệt là ở Bronx và các vùng ngoại ô phía Bắc thành phố. Dự kiến, sẽ phải mất 1 - 2 ngày mới có thể khôi phục được hệ thống điện bị hư hỏng.
Còn theo NBC, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mưa, lũ khi sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey bị ngập sâu, khiến hoạt động của sân bay này bị ngưng trệ. Các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm của bang này cũng ngừng hoạt động. Theo yêu cầu của Tổng thống Biden, Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) sẽ phối hợp giảm nhẹ thảm họa thiên tai.
Gia tăng hình thái thời tiết cực đoan
Không chỉ xảy ra ở Mỹ, cháy rừng cũng hoành hành ở nhiều nước, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Algeria, Hy Lạp và Italy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hiệp quốc công bố ngày 1-9, những thảm họa thiên tai như vậy đã tăng gấp 5 lần trong thời gian 1970 - 2019, phần lớn do Trái đất đang ấm lên. Báo cáo cũng cảnh báo xu hướng gia tăng số vụ thiên tai và hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Cụ thể, thế giới đã chứng kiến hơn 11.000 thảm họa thiên tai, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.640 tỷ USD. Trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày xảy ra một thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu, lũ lụt và hạn hán, khiến 115 người chết và gây thiệt hại 202 triệu USD. Hơn 91% số ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Hạn hán là nguyên nhân gây thiệt hại về người lớn nhất trong giai đoạn này, với khoảng 650.000 người chết, trong khi các cơn bão cướp đi sinh mạng của 577.000 người. Cũng trong nửa thế kỷ qua, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của gần 59.000 người, trong khi khoảng 56.000 người tử vong do nhiệt độ cực đoan.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, chính những cải tiến đáng kể trong hệ thống cảnh báo sớm đã góp phần quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, khi chỉ có 50% trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này hiện có hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2019, các thảm họa thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 383 triệu USD mỗi ngày, gấp 7 lần so với mức thiệt hại trung bình 49 triệu USD/ngày trong thập niên 70 của thế kỷ trước. |