Mỹ để ngỏ quyết định lãi suất

Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tiêu dùng trong tháng 5 ở nước này đã “hạ nhiệt” tháng thứ 11 liên tiếp. Đây được coi là tín hiệu đáng khích lệ cho các nhà hoạch định chính sách quyết định tạm dừng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến sự khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 13-6 (giờ Mỹ) sau khi dữ liệu lạm phát tháng 5 đã làm tăng thêm sự lạc quan của nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones tăng 145,79 điểm, tương đương 0,43%, lên 34.212,12 điểm. S&P 500 tăng 30,08 điểm, tương đương 0,69%, lên 4.369,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,40 điểm, tương đương 0,83%, lên 13.573,32 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức cao kỷ lục trong 13 tháng. 10 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 kết thúc phiên giao dịch đều tăng điểm, trong đó ngành vật liệu và công nghiệp dẫn đầu các mã tăng điểm, tăng lần lượt 2,33% và 1,16%.

Trong bối cảnh lạm phát giảm, giá trị đồng USD của Mỹ cũng đã giảm xuống. Chỉ số USD giảm 0,3%, xuống 103,3370 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 13-6. Tỷ giá đồng EUR so với đồng USD đã tăng từ 1 EUR đổi được 1,0756 USD trong phiên giao dịch trước đó lên 1,0790 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng từ 1 bảng Anh đổi được 1,2505 USD trong phiên giao dịch trước đó lên 1,2602 USD.

Các số liệu được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - trong tháng 5 đã tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của giới phân tích, nhưng có giảm so với mức 4,9% trong tháng 4. Chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua và chưa bằng 50% so với mức kỷ lục 9,1% ghi nhận hồi tháng 6-2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đây là một tin tốt lành. Điều này cho thấy tiến triển liên tục trong việc đối phó với lạm phát trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì mức thấp trong lịch sử. Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế thận trọng cho rằng, FED đang tìm kiếm xu hướng hạ nhiệt lạm phát chắc chắn hơn trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. FED đã nâng lãi suất 10 lần, với tổng mức tăng là 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3-2022, lên khoảng 5%-5,25%.

Nhiều quan chức trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho biết, họ đang cân nhắc việc không nâng lãi suất trong tháng này để các nhà hoạch định chính sách có nhiều thời gian hơn nhằm đánh giá tác động kinh tế của tình hình căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng và các đợt nâng lãi suất vừa qua. Theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool, có tới 80% khả năng FOMC sẽ quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách lần này.

Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt từ 9,1% vào tháng 6 năm ngoái xuống còn 4% vào tháng trước, nhưng nó vẫn ở mức cao đối với người tiêu dùng Mỹ. Theo Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại JPMorgan Chase, nếu tỷ lệ tăng việc làm và tăng lương chậm lại, lạm phát tiếp tục chậm lại thì FED có thể sẽ giữ lãi suất ổn định trở lại. Ngược lại, có thể sẽ tạo ra một đợt tăng giá. Ông Oren Klachkin, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, cảnh báo vẫn còn nguy cơ tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục