Doanh nghiệp được lợi “kép”
Phân tích cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 225,15 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 113,93 tỷ USD và nhập khẩu đạt 111,22 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 2,71 tỷ USD. Hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 9,2%; châu Âu tăng 12,3%; Trung Quốc tăng 28%; Hàn Quốc tăng 31,8%; ASEAN tăng 17,4%... Đây là những tín hiệu vui trong bức tranh xuất khẩu đầu năm. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng nhiệt (những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế mạnh lại là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam), hàng Việt Nam xuất khẩu đang có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần vào Mỹ.
Ở chiều nhập khẩu, để ứng phó với mức thuế tăng cao đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cho phá giá đồng nhân dân tệ xuống thấp (trên dưới 3%). Điều này sẽ tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa nhờ giảm giá thành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, hơn 60% nguyên phụ liệu sản xuất của các doanh nghiệp dệt may, điện, điện tử… của Việt Nam là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Riêng với lĩnh vực dệt may, gần như nhập khẩu nguyên phụ liệu 100% từ thị trường Trung Quốc. Vậy nên, cùng với việc Mỹ tăng thuế hàng dệt may Trung Quốc, về cơ bản chúng ta vừa nhập khẩu được nguồn nguyên phụ liệu với giá tốt hơn, vừa là cơ hội để tận dụng những khoảng trống thị trường và lợi thế giá thành nhất định cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cẩn trọng với hiện tượng gian lận xuất xứ
Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ đánh thuế lên sản phẩm Trung Quốc sẽ góp phần khiến cho làn sóng dịch chuyển công nghệ sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Bởi trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các chính sách hạn chế đầu tư phát triển những ngành thâm dụng lao động và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như dệt may, chế biến thủy hải sản, thực phẩm.... Đồng thời, tập trung hỗ trợ phát triển ngành chất xám có giá trị gia tăng cao như điện thoại, công nghệ điện, điện tử….
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại may Sài Gòn nhấn mạnh, trên thực tế, từ cuối năm 2016 các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở lĩnh vực trên đã ồ ạt chuyển đầu tư công đoạn sản xuất giản đơn sang các nước khu vực Đông Nam Á, tập trung mạnh tại Việt Nam và Campuchia. Họ chỉ giữ lại công ty mẹ chuyên đảm trách khâu thiết kế, cung ứng nguyên liệu và phân phối hàng. Hiện nay, cộng thêm yếu tố tác động của mức thuế cao do Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, chắc chắn các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ càng đẩy nhanh lộ trình dịch chuyển đầu tư những công đoạn sản xuất giản đơn, thay đổi kích thước sản phẩm hoặc sản xuất công đoạn cuối để đóng mác xuất xứ Việt Nam trước khi xuất hàng qua Mỹ. Và nếu cơ quan quản lý nước ta không kiểm soát chặt vấn đề này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là Chính phủ Mỹ sẽ áp mức thuế chống bán phá giá tương tự đối với danh mục hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Điều này đã từng có tiền lệ xảy ra với ngành thép Việt Nam. Kết luận điều tra của Bộ Thương mại Mỹ chỉ rõ, tình trạng doanh nghiệp thép Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhưng chỉ mang hình thức trung chuyển mà không có giá trị gia tăng; hoặc chuyển một số công đoạn sản xuất nhằm tạo hàm lượng giá trị gia tăng đủ lớn sang Việt Nam để hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xuất xứ Việt Nam… Do vậy, Bộ Thương mại Mỹ đã áp mức chống bán phá giá là 250% lên một số mặt hàng thép Việt Nam từ tháng 4-2018. Điều này đã gây tổn thất rất lớn với doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt, không những tại thị trường Mỹ mà còn nhiều thị trường khác trên thế giới.
Do vậy, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh về giá thành, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, trong bối cảnh hiện tại, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn khâu quản lý thị trường. Trong đó, tập trung kiểm soát hiệu quả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rồi gian lận xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi thế xuất khẩu. Mặt khác, Chính phủ cần tính toán đến hiệu quả công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cần yêu cầu các địa phương kiên quyết từ chối dự án đầu tư sản xuất gia công giản đơn, có giá trị gia tăng thấp. Có như vậy mới tránh được nguy cơ Việt Nam là túi chứa công nghệ lạc hậu và ngăn chặn trước việc áp thuế lên hàng Việt như ngành thép đã bị.