Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra 12 yêu sách của Washington đối với Tehran như là điều kiện để thảo luận một thỏa thuận hạt nhân mới kèm lời đe dọa Mỹ sẽ gia tăng áp lực tài chính lên Iran với “những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không khác nào hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, trong bối cảnh các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Iran đang tìm cách cứu vãn JCPOA. Tăng áp lực Mỹ yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chỉ được thực hiện khi Washington chứng kiến những thay đổi rõ ràng trong chính sách của Tehran. Sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực đầy đủ, Iran sẽ phải “vật lộn để nuôi sống nền kinh tế” của nước này. Đáp lại, ngày 22-5, truyền thông Iran dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani bác bỏ những lời đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đồng thời tuyên bố phần còn lại của thế giới không còn chấp nhận việc Washington quyết định thay cho họ nữa.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bác bỏ đe dọa của Mỹ ngày 21-5 tại Tehran
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng Mỹ đang lặp lại “những sự lựa chọn sai lầm giống như trước kia”. Ông Zarif cho hay Iran đang phối hợp với các đối tác nhằm tìm kiếm những giải pháp liên quan tới JCPOA sau khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Tuyên bố cho rằng Mỹ đang tìm cách đánh lạc hướng chú ý toàn cầu khỏi những “động thái bất hợp pháp” của Washington liên quan đến chương trình hạt nhân Iran bằng cách đe dọa quốc gia Hồi giáo; đồng thời khẳng định Iran sẽ tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 21-5 cho biết, Iran sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria theo yêu cầu của chính phủ nước này để chống khủng bố, bất chấp đe dọa của Mỹ.
Hoài nghi vai trò của châu Âu Giới phân tích khu vực cho rằng, Iran sẽ không dễ dàng chịu khuất phục trước những sức ép và đòi hỏi được cho là có phần “thái quá” từ Washington và tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pompeo là “phương án B” trong chiến lược của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, ngày 21-5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã cảnh báo không có “lựa chọn khác” cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà Mogherini khẳng định, tuyên bố của Bộ trưởng Pompeo không cho thấy việc rời bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran đã và sẽ giúp khu vực trở nên an toàn hơn khỏi nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân hay giúp các bên có được vị thế tốt hơn, để gây ảnh hưởng lên cách hành xử của Iran trong những lĩnh vực ngoài khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân. Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Anh Boris Johnson nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, trong diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Abu Dhabi, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho rằng, Iran sẽ buộc phải quay lại bàn đàm phán để thiết lập một thỏa thuận hạt nhân mới, bởi sự ủng hộ của châu Âu sẽ không đủ để cứu vãn thỏa thuận hiện nay. Ông Gargash nhấn mạnh rằng: Sẽ phải có một thỏa thuận mới với các ranh giới mới, nhằm mở rộng các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo và “sự can dự khu vực” của nước này.
HẠNH CHI (tổng hợp)