Theo dự luật HB3, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2025, các công ty truyền thông xã hội phải đóng tài khoản của trẻ dưới 14 tuổi bất kể sự đồng ý của phụ huynh. Biện pháp tương tự cũng áp dụng đối với tài khoản do trẻ dưới 16 tuổi lập mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Các nền tảng không làm như vậy có thể bị kiện.
Trẻ vị thành niên có thể được bồi thường thiệt hại lên tới 10.000 USD. Các công ty bị phát hiện vi phạm luật cũng sẽ phải chịu trách nhiệm lên tới 50.000 USD cho mỗi lần vi phạm, cũng như phí luật sư và chi phí tòa án.
Ngoài ra, luật cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội sử dụng hệ thống đánh giá của bên thứ ba để sàng lọc những người chưa đủ tuổi lập tài khoản. Dự luật cũng cấm trẻ vị thành niên truy cập các trang web khiêu dâm và yêu cầu xác minh độ tuổi để truy cập các trang web này.
Theo CNN, văn kiện vừa được thông qua ngày 25-3 này cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ em, tránh nguy cơ các em rơi vào tình trạng “nghiện mạng xã hội”, có thể gây ra những hệ lụy khôn lường liên quan bạo lực và bắt nạt học đường, trào lưu tự tử ở giới trẻ và quấy rối tình dục trên không gian mạng...
Trong một thông báo, Thống đốc DeSantis cho rằng, mạng xã hội gây tác hại đối với trẻ em theo nhiều cách khác nhau nếu không có sự kiểm soát của phụ huynh. Luật trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình khi sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những quan điểm trái chiều đối với luật nói trên. Những người ủng hộ cho rằng văn kiện này sẽ giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực mà mạng xã hội gây ra đối với sức khỏe tâm thần của trẻ khi sử dụng quá mức những nền tảng này. Trong khi đó, một số quan điểm lại cho rằng những quy định của luật đi ngược lại quyền tự do biểu đạt được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Theo Washington Post, mặc dù dự luật HB3 không nêu rõ nền tảng truyền thông xã hội nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng HB3 nêu rõ áp dụng cho các trang web có hơn 10% “người dùng hoạt động hàng ngày dưới 16 tuổi lên mạng trung bình 2 giờ mỗi ngày”, cũng như những tính năng có “tính năng gây nghiện”.
Phản ứng trước biện pháp trên, tập đoàn công nghệ Meta - công ty sở hữu Instagram và Facebook - cho biết quy định mới này sẽ hạn chế quyền quyết định của các bậc phụ huynh, đồng thời làm gia tăng quan ngại về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân vì thông tin của người dùng sẽ được cung cấp khi xác minh độ tuổi. Các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và TikTok yêu cầu người dùng phải ít nhất 13 tuổi - một yêu cầu bắt nguồn từ “Quy tắc bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em” năm 1998, cấm thu thập dữ liệu cá nhân của trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ.
Hồi tháng 3-2023, Utah đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật quy định việc tiếp cận của trẻ em đối với mạng xã hội. Sau đó, các bang khác như Arkansas, Louisiana, Ohio và Texas cũng đưa ra những biện pháp tương tự.