Sự chuyển hướng của Mỹ ở Biển Đông
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.
Ông Pompeo nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn khẳng định, Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều đó vào năm 2009.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ ẩn chứa một số thông điệp quan trọng, trong đó nổi bật là sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Washington đối với vấn đề Biển Đông. So với những lần đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông trước đây của Mỹ (lên án các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để đi đến thống nhất về chủ quyền trên biển), thì tuyên bố lần này chuyển sang hướng tiếp cận khác, đó là chủ động bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Trung Quốc. Thậm chí, tuyên bố còn ám chỉ rằng các quốc gia khác trong khu vực có quyền lợi lớn hơn nhiều đối với những vùng biển được đề cập.
Việc chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc làm dấy lên quan ngại mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai quốc gia này có nguy cơ chuyển sang đối đầu trực diện.
Phản ứng của các nước
Đáp trả lại Washington, ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ là nước gây rối, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ, Trung Quốc không bao giờ tìm cách xây dựng một đế chế ở Biển Đông, đồng thời phản đối tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản đã hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Hãng tin Jiji Press dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản “trước sau như một ủng hộ tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực và cưỡng ép”, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ vì mục đích này.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines cũng đã lên tiếng đồng ý với Mỹ về việc cần phải có một trật tự trên Biển Đông dựa trên các quy tắc được quốc tế chấp nhận. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin khẳng định, lợi ích tốt nhất đối với sự ổn định của khu vực sẽ đạt được khi Trung Quốc thực hiện lời kêu gọi của cộng đồng thế giới trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành.
Manila đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài (PCA) thường trực năm 2016, vốn bác bỏ các yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này ký kết.
Còn hãng tin AP cho rằng, lập trường của Mỹ là kiên quyết giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng một cách hòa bình thông qua các cơ quan do Liên hiệp quốc bảo trợ. Mặc dù Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng tuyên bố này có nghĩa là Chính phủ Mỹ đang thực sự đứng về phía Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Giới quan sát ngày 14-7 cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ chứa đựng những ngôn từ và thông điệp quyết liệt khi cho rằng những yêu sách của Bắc Kinh không chỉ sai trái về mặt pháp lý, mà còn vô lý khi xét trên thực tế. Đây sẽ là bước ngoặt chính sách lớn của Mỹ, góp phần tăng thêm căng thẳng giữa hai quốc gia.