Tác động lên nhiều mặt hàng xuất khẩu
Với mức thuế 46% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ và thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, riêng nhóm nông lâm thủy sản, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD.

Mỹ là thị trường quan trọng của nhiều mặt hàng chủ lực, đặc biệt là gỗ và sản phẩm gỗ với kim ngạch 16,2 tỷ USD (chiếm 55,5%); thủy sản cũng đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng kim ngạch thủy sản của Việt Nam. Nếu chịu mức thuế mới, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá basa - vốn đang chiếm lĩnh thị phần đáng kể tại Mỹ - sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá.
Ở lĩnh vực công nghiệp, ngành điện tử - vốn đang có xu thế phát triển mạnh nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc - cũng nằm trong diện chịu thuế cao. Các sản phẩm như linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại lắp ráp tại Việt Nam, dù có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Samsung hay Intel, vẫn có nguy cơ bị áp thuế, khiến chi phí sản xuất tăng cao và tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Mức thuế cao không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn có thể khiến các nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây ra những khó khăn đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, cho biết, nhiều doanh nghiệp trong hội đã nhận được thông báo tạm ngưng đơn hàng từ phía đối tác Mỹ. Những đơn vị xuất khẩu trực tiếp bị yêu cầu hoãn giao hàng để đàm phán lại giá còn các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng đang chờ thêm tín hiệu từ các tập đoàn đặt hàng tại Việt Nam. Với mức thuế mới, khả năng duy trì đơn hàng gần như bằng 0. “Chúng tôi rơi vào thế bị động. Nếu tình hình kéo dài, nguy cơ đóng cửa sản xuất là rất lớn”, ông Tống nói.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở ngành chế biến lương thực thực phẩm. Ngay trong sáng 3-4, nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương liên hệ với đối tác Mỹ để tìm hướng xử lý. Theo phản ánh, các lô hàng nếu kịp nhập cảng của Mỹ trước ngày 9-4 sẽ không bị ảnh hưởng nhưng sau thời điểm đó buộc phải tạm dừng hoặc đàm phán lại giá; nếu giữ nguyên giá bán doanh nghiệp sẽ lỗ nặng nhưng nếu tăng giá thì nguy cơ mất đơn hàng là không tránh khỏi.
Mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc
Đứng trước nguy cơ bị tác động bởi thuế đối ứng, ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (đơn vị chủ yếu xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ) đề xuất cần rà soát lại hệ thống thuế nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc - những nơi mà Mỹ có thể sử dụng để so sánh và áp thuế đối ứng. “Nếu cứ duy trì các sắc thuế bảo hộ quá cao chúng ta sẽ khó có lý lẽ khi đàm phán lại với Mỹ”, ông Hiệp nhận định.

Về phía doanh nghiệp, giải pháp tình thế lúc này là cùng khách hàng chia sẻ gánh nặng chi phí hoặc điều chỉnh giá bán ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết: “Nếu khách yêu cầu giảm giá tới 40 - 50% để bù phần thuế thì bản thân doanh nghiệp cũng không sống nổi”. Vì vậy, việc chuyển hướng thị trường là yêu cầu bắt buộc. Không chỉ vậy, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nên tính tới việc đầu tư đặt nhà máy tại các quốc gia trung lập trong quan hệ thương mại với Mỹ để tránh rủi ro thuế. Đây không còn là phương án “né đòn” tạm thời mà là bước đi chiến lược để đa dạng hóa thị trường và nâng sức đề kháng dài hạn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, mức thuế 46% sẽ không áp lên toàn bộ hàng hóa Việt Nam. Theo ông, Mỹ có thể nhắm vào những mặt hàng đang xuất siêu hoặc bị nghi ngờ có nguồn gốc nguyên liệu từ nước thứ 3 như hàng điện tử, thép, nhôm, năng lượng tái tạo, dệt may, giày dép… Với ngành nông lâm thủy sản, những sản phẩm cạnh tranh mạnh với hàng nội địa Mỹ như cá tra có thể bị đánh thuế nặng hơn. Ông Nguyên cho rằng doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó bằng cách tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí logistics để duy trì khả năng cạnh tranh.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, động thái áp thuế của Mỹ có thể là cách để buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán thương mại song phương thay vì tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, ông Tùng cho rằng trước mắt các công ty xuất khẩu cần giảm chi phí, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách hàng và duy trì thị trường. Nếu cần, doanh nghiệp có thể lấy lợi nhuận để bù vào thuế trong thời gian đầu, tránh gây cú sốc cho đối tác. Trong dài hạn phải mở rộng thị trường mới, giảm phụ thuộc vào Mỹ để giảm thiểu rủi ro.
Theo các chuyên gia kinh tế, mức thuế 46% mà Mỹ áp đặt với hàng hóa từ Việt Nam có thể gây ra những xáo trộn lớn nhưng đây không phải là dấu chấm hết cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thay vì hoang mang, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh chiến lược, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị sản phẩm để giữ vững vị thế cạnh tranh. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tối đa các hiệp định thương mại khác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
- Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:
Cân bằng thương mại nhưng phải tạo ra tăng trưởng và phát triển bền vững
Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra với giải thích của phía Hoa Kỳ là nhằm “đối ứng” với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp dụng với hàng hóa từ Hoa Kỳ, tức khoảng 90% theo cách tính của nước này. Thực tế, thời gian qua chúng ta đã chủ động rà soát chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, từ đó có những điều chỉnh với một số mặt hàng. Tuy nhiên, trong thương mại giữa hai nước, để đạt được một điểm cân bằng thực chất không thể chỉ dựa vào công cụ thuế mà cần sự phối hợp giữa nhiều yếu tố.
Chúng ta nói nhiều đến cân bằng cán cân thương mại song phương, và chắc chắn ai cũng muốn thế, song vấn đề là cân bằng phải đi liền với mục tiêu thương mại song phương tăng trưởng, kinh tế phát triển bền vững chứ không nên cân bằng nhưng giá trị thương mại bị giảm xuống, thu hẹp lại. Chính vì vậy, tôi cho rằng các bên, trong đó có Việt Nam, cần kiên trì đối thoại với các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ, để hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng, lâu dài, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến:
Không thể phụ thuộc một thị trường
Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2025 là đạt mức tăng trưởng 4% với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64-70 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp không thể phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Trong đó cần đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Hoa Kỳ. Việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là yếu tố quan trọng để giúp ngành nông nghiệp ứng phó hiệu quả với các thay đổi từ chính sách thương mại quốc tế.
- Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Adam Sitkoff:
Đàm phán để đạt thỏa thuận chung
Trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế cao hơn dự kiến, Việt Nam đã chủ động đưa ra những biện pháp nhằm cải thiện quan hệ thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc giải quyết thâm hụt thương mại trị giá hơn 100 tỷ USD không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Việt Nam không thể đơn giản đặt hàng trăm triệu USD hàng hóa Hoa Kỳ ngay lập tức mà cần những cam kết và giải pháp thực tế hơn.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump có xu hướng ưa thích các thỏa thuận mang tính giao dịch cụ thể, như mua máy bay từ Boeing hoặc các hợp đồng lớn trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, hơn là những lời hứa mua hàng chung chung. Một số động thái như giảm thuế nhập khẩu cherry Hoa Kỳ có thể mang tính thiện chí nhưng không đủ để giải quyết vấn đề cốt lõi. Do đó, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực quan trọng hơn để cân bằng thương mại. “Trả đũa” thuế quan không phải là lựa chọn hợp lý vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác quan trọng của Việt Nam.
NHÓM PV
Áp lực từ “cơn địa chấn”
“Cơn địa chấn” thuế quan của Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trên thị trường tài chính thế giới, làn sóng lo ngại từ giới đầu tư khiến giá dầu thế giới đảo chiều giảm mạnh, giá vàng tăng vọt, thị trường chứng khoán Mỹ và các nước nằm trong danh sách bị áp thuế “đỏ lửa”.
Theo ABC News, Chính phủ Mỹ cho rằng đây sẽ là công cụ tạo nguồn thu cho việc cắt giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, chính sách áp thuế này ẩn chứa nguy cơ khôn lường về một giai đoạn đầy khó khăn cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Các mức thuế quan mới có thể đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ, bởi chúng làm tăng chi phí của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu nhiều khả năng sẽ chuyển một phần gánh nặng thuế quan sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá bán sản phẩm, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh; nếu hoạt động kinh doanh suy giảm, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng “đóng băng” hoặc cắt giảm đầu tư, dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ông Olu Sonola, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings, cho rằng, theo chính sách mới, mức thuế quan trung bình có hiệu lực của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% từ mức chỉ 2,5% vào năm 2024. Đây là mức thuế trung bình cao nhất trong hơn 100 năm qua và là bước ngoặt không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với cả kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Tương tự, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics lo ngại rằng, nếu các mức thuế mới được thực thi mà không có miễn trừ đáng kể, chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ khó lòng “tiêu hóa” được cú sốc này và nguy cơ suy thoái rất cao.
Trên thực tế, ngay từ trước khi Mỹ chính thức áp các mức thuế mới, người tiêu dùng đã có xu hướng siết chặt hầu bao. Theo khảo sát của Tổ chức nghiên cứu và thành viên kinh doanh phi lợi nhuận The Conference Board, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Theo New York Times, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ cho rằng thuế quan sẽ gây thêm lo lắng, bất ổn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, vì việc thực hiện ngay lập tức các mức thuế quan đòi hỏi nỗ lực lớn và sự chuẩn bị của hàng triệu doanh nghiệp nước này.
THANH HẰNG