Mưu sinh kiếm sống vào mùa mưa
Không biết từ bao giờ, hái rong biển trở thành cái nghề mưu sinh của người dân Nam Ô. Từ tháng 10 hằng năm, đến mùa rong biển là cả làng kéo nhau đi hái.
Bà Dương Thị Hoa (65 tuổi, người làng Nam Ô) cho hay, sáng nào bà cũng dậy sớm ra ghềnh để “ngóng” nước biển lên xuống như thế nào. Có hôm đến 6 giờ bà mới bắt đầu, tầm 9 giờ thì hái được khoảng một ký tươi. “Làm nghề này đòi hòi sự chịu khó. Nước rút sớm thì tôi đi sớm, nước rút trễ thì tôi đi trễ”, bà Dương Thị Hoa chia sẻ.
Bà Dương Thị Hoa còn kể, rong biển ở Nam Ô được nhận xét là thơm, ngon hơn nhiều so với những vùng khác. Để có những lá rong biển ngon nhất, người dân ở đây bắt đầu hái rong biển ngay từ lúc vừa mọc để giữ nguyên vị chứ không để rong phát triển lâu, lá già dai sẽ mất ngon. Rong mọc ở xa sạch và nhiều hơn rong mọc gần bờ. Vì vậy, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm để ra xa bờ hái rong. Nhiều người leo qua những mỏm đá góc cạnh, trơn trượt hoặc ngâm mình dưới nước biển nhiều giờ để có những ký rong tươi, ngon, sạch sẽ.
Khi hái về, rong biển sẽ để ráo sau khi được rửa qua một lần nước biển, hai lần nước ngọt. Mỗi ký rong tươi bán với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng.
Rong tươi có thể được ép khô nước, phơi khô sau một nắng để trở thành rong biển khô, bán với giá 2,5 đến 3 triệu đồng/kg. Tầm 10kg rong tươi thì sẽ được 1kg rong khô. Mỗi người, có thể hái được 3 đến 4kg mỗi ngày.
Dù đi đến bất cứ nơi đâu, rong biển Nam Ô vẫn luôn là đặc sản của người Nam Ô. Với những người con xa quê lâu ngày, cha mẹ nơi quê nhà thường gửi rong biển tươi đóng trong thùng xốp hoặc đem rong biển phơi khô đóng bao đến cho những người con xa nhà là một cách để họ vơi bớt nỗi nhớ nhà khi ở nơi đất khách quê người.
Em Đặng Thị Lệ (22 tuổi, người làng Nam Ô, hiện đang du học tại Nga) cho hay, mỗi khi ăn canh rong biển, Lệ thường nhớ đến cảnh đàn em trong nhà tranh nhau thưởng thức canh rong biển mẹ nấu. Lệ còn nấu canh rong biển với cải, tôm để đãi bạn bè nước ngoài khi họ đến nhà tại Nga. “Bạn bè thường nói món ăn ở Việt Nam có nguyên liệu khá đơn giản, kì lạ nhưng sau khi chế biến ăn rất ngon”, Đặng Thị Lệ chia sẻ.