Muốn xuất khẩu văn chương phải có tác phẩm hay

Nhằm tăng cường giao lưu văn chương giữa Hội Nhà văn TPHCM và giới văn chương Hàn Quốc, đồng thời mong muốn góp phần giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, ngày 5-7, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn.

Khách mời của chương trình có nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang và dịch giả Hiền Nguyễn. Phía Hàn Quốc có nhà văn Choi Eun Yeong, GS Kim Jae Yong, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học Toàn cầu Hàn Quốc.

IMG_7400.jpg
Các diễn giả tại chương trình. Từ phải qua: nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang, nhà văn Choi Eun Yeong, GS Kim Jae Yong và dịch giả Hiền Nguyễn

Chủ đề chính của chương trình giao lưu năm nay là Văn học trẻ đương đại Việt - Hàn và văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu. Các diễn giả cùng tập trung thảo luận và chia sẻ về hoạt động của các nhà văn trẻ và văn chương Việt Nam, Hàn Quốc hiện nay, đặc biệt về vấn đề nhận thức của tác giả, dịch giả và các cơ quan liên quan trong việc giới thiệu văn học nước nhà ra thế giới.

Nhà văn Choi Eun Yeong (sinh năm 1984), là tác giả của nhiều tác phẩm trong đó có tập truyện ngắn Nụ cười của Shoko từng xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm của cô được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Nhật, Trung, Ả rập, Nga… Chia sẻ về đời sống văn học trẻ đương đại ở Hàn Quốc, nhà văn Choi Eun Yeong, cho biết, mối quan tâm dành cho văn học nói chung ở Hàn Quốc đang có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những cộng đồng nhỏ yêu văn chương.

Riêng các tác giả hiện nay vẫn thường động viên nhau, vẫn yêu nghề và chuyên tâm sáng tác. Đặc biệt, ở Hàn Quốc có Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc nhằm hỗ trợ dịch thuật, giới thiệu và quảng bá văn học Hàn ra nước ngoài. Dù gần đây, nguồn hỗ trợ này đang bị cắt giảm nhưng đây chính là cơ hội để cô và những tác giả trẻ ở Hàn Quốc có tác phẩm được dịch ra nước ngoài và được đi ra nước ngoài giao lưu với đồng nghiệp và bạn đọc.

Đồng cảm với chia sẻ của nhà văn Choi Eun Yeong, nhà văn Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM), thừa nhận sự “trùng hợp” trong bức tranh văn chương đương đại của Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản, thường xuyên nhận được những bản thảo của tác giả trẻ, nên theo Huỳnh Trọng Khang, tình yêu văn chương ở các bạn trẻ còn nhiều.

Bên cạnh những trao đổi về bức tranh văn chương đương đại của mỗi nước, các diễn giả còn có những chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu văn chương. Đây là vấn đề không mới, được thảo luận khá nhiều tại Việt Nam lâu nay. Liên quan đến vấn đề này, đa số đều đồng tình với ý kiến của nhà văn Trần Văn Tuấn khi ông cho rằng, các tác giả cứ viết cho hay trước. Dù có dịch giả, có kinh phí cho việc dịch thuật nhưng tác phẩm chất lượng mới là yếu tố mang tính thiết yếu.

Tin cùng chuyên mục