Kim đồng hồ vừa kịch đúng giờ hẹn, đám học trò cười giòn tan, lúc ấy thầy trò mới thở phào vì cú thoát hiểm an toàn.
Đây là tình huống giả định được thầy Nguyễn Trung Anh Vũ thiết lập trong giờ dạy môn Lý tại lớp 9/2.
Học trò là trung tâm
“Lý, Hóa, Sinh là những môn học không thể giảng bài suông được mà phải tạo mọi điều kiện cho học sinh (HS) thấy và thực hành, khi đó các em mới hiểu được bài học”, thầy Vũ đúc kết phương châm sau 20 năm giảng dạy của mình. Luôn trăn trở làm sao giảng bài thật dễ hiểu HS vừa nắm vững kiến thức gắn với thực hành, hiện nay, thầy là một trong những giáo viên (GV) tiên phong trong giảng dạy STEM (viết tắt của Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Maths - Toán học) của TPHCM.
Cô Thùy Trang luôn nghĩ ra nhiều phương pháp để truyền đạt nhằm giúp học trò dễ hiểu, như muốn HS phát âm từ “thanks” chuẩn nhất, cô nói mỗi trò cùng đưa ngón tay trỏ ra trước miệng, bật âm đến khi lưỡi chạm ngón tay là chính xác.
Để HS nhớ, cô nói đùa: “Muốn làm cách này, các em nhớ rửa tay cho sạch, vi khuẩn vào bụng là cô không chịu trách nhiệm đâu”, HS dưới lớp cười khúc khích nhưng dễ nhớ mẹo của cô...
Cũng chỉ cần tốt cho học trò, cô Văn Trịnh Quỳnh An, GV môn Văn, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), được học trò thân thương gọi là “Ankipedia” - ví như từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ai cũng có thể xem, có thể kết nối.
Cô dạy học lấy trò làm trung tâm, luôn quan sát điểm mạnh điểm yếu của HS và tạo điều kiện cho các em phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Bên cạnh đó, cô tổ chức dạy học theo dự án tích hợp liên môn, như cho HS thực hiện chiến dịch quảng cáo sản phẩm do chính các em làm ra và bán gây quỹ từ thiện. Với các bài học khô khan thuần kiến thức, cô chuyển thành game show để các em vừa học vừa chơi.
Còn ở cương vị quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), lại có cách “tiếp cận” học trò rất riêng. Chia thời gian ăn trưa, trò chuyện trước giờ nghỉ trưa với từng lớp để lắng nghe tiếng nói của gần 1.500 HS.
Điều mà thầy Phú “ghi điểm” chính là liên tiếp mở các cuộc đối thoại dân chủ để lắng nghe những ý kiến tâm tư, nguyện vọng của GV, nhân viên, HS và cả phụ huynh.
“Con tôi học lớp 11A10. Từ khi thầy Phú về làm hiệu trưởng, việc dạy và học của trường đã có nhiều khởi sắc, các hoạt động kỹ năng sống, phong trào ngoại khóa... đều có sự thay đổi rõ nét. Con tôi tự tin, mạch lạc hẳn lên trong giao tiếp, lễ phép hơn với ông bà, cha mẹ”, ông Nguyễn Tất Đạt (phụ huynh HS Nguyễn Tấn Quang) nhận xét trong một buổi đối thoại với nhà trường.
Đào tạo “công dân quốc tế”
Mục tiêu của ngành giáo dục được xác định: “Giáo dục và đào tại (GD-ĐT) là động lực quan trọng để TPHCM phát triển bền vững và phấn đấu đến năm 2030, hệ thống GD-ĐT được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập với các nền GD tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đưa TPHCM trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.
Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM tiếp tục phát triển mô hình trường học tiên tiến, chương trình dạy Toán - Khoa học tích hợp chương trình của Anh quốc và Việt Nam; đặc biệt chú trọng phương pháp học tập STEM và STEAM nhằm phát huy năng lực của HS.
“Bên cạnh đó, TPHCM vẫn luôn quan tâm đến GD mũi nhọn theo định hướng hội nhập quốc tế. Do vậy, ngành GD luôn tiếp tục các chủ trương, giải pháp phát triển việc dạy và học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế để HS có thể tiệm cận với GD tiên tiến của khu vực”, TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết.
Là những người trực tiếp triển khai và thực hiện mục tiêu đổi mới GD, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho rằng hiệu trưởng phải chính là người chủ động “thổi luồng gió mới” đến đội ngũ giáo viên của mình.
Ngoài năng lực thiết kế chương trình, xây dựng kế hoạch, hiệu trưởng còn phải là người có tư tưởng gợi mở, trưng cầu ý kiến và quyết định mục tiêu sứ mệnh của trường mình.
Nếu các giải pháp quản lý thiếu đồng bộ, tổ chức thiếu khoa học từ chỉ đạo đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chăm lo đời sống GV, lắng nghe ý kiến của HS… thì kết quả đạt được không như mong muốn.
Rõ ràng nhà trường có đổi mới hay không thì vai trò của hiệu trưởng đóng một phần hết sức quan trọng, người thuyền trưởng có quyết tâm và dám nghĩ, dám làm, GV có tư duy đổi mới GD thật sự thì ở đó, thương hiệu và chất lượng GD được đo bằng sự hài lòng, tin tưởng của phụ huynh lẫn HS.
Tăng cường tính tương tác Trường Quân sự Quân khu 7 đảm nhiệm GD-ĐT cho nhiều đối tượng về GD quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm, Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp. Theo đó, các GV sẽ kết hợp giữa phương pháp thuyết trình, diễn giải thông qua “bài giảng điện tử” với phương pháp hỏi - đáp - trao đổi, tăng cường tính tương tác, làm cho bài giảng lý thuyết dễ hiểu, dễ nhớ. Trong thực hành kỹ năng quân sự, nhà trường khuyến khích kết hợp giữa huấn luyện với trò chơi vận động; qua đó, giúp sinh viên được rèn luyện sức khỏe, kỹ năng cá nhân, phối hợp đội, nhóm. Ngoài nội dung theo chương trình chung, nhà trường còn bổ sung các nội dung về giáo dục truyền thống của dân tộc, quân đội và địa phương; tăng cường tổ chức hội thao quốc phòng và an ninh; tổ chức các hoạt động xã hội, tham quan di tích, chứng tích lịch sử, thắp nến tri ân... Thông qua đó, không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng nhân cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên, mà còn bồi đắp cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, ý thức sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. |