Sáng 8-7, Cục Thuế TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá công tác thuế 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến.
Phó Cục Thuế TPHCM Lê Duy Minh cho biết, 6 tháng đầu năm ngành thuế TP thu được 120.169 tỷ đồng, đạt hơn 50% dự toán năm, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2016. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thuế trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là số thu sản xuất kinh doanh đạt đến 48% là chỉ tiêu cao nhất trong những năm qua. Về tác động xã hội, Phó Chủ tịch cũng đánh giá cao những đổi mới, cải tiến, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp của ngành thuế.
Để tiếp tục những thành quả đó, 6 tháng cuối năm ngành thuế TP cũng đề ra nhiều biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017.
Cụ thể, triển khai đồng bộ, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Tiếp tục duy trì hòm thư điện tử để thông tin giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn kịp thời các chính sách thuế mới, thông tin những vướng mắc doanh nghiệp thường gặp. Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc các doanh nghiệp mới thành lập theo từng ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ về thủ tục và chính sách thuế đạt hiệu quả, không để doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu thông tin về thuế, chủ động lập kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản xuất để nâng dần số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Qua đó, ngành thuế cũng mở rộng thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực, hóa đơn điện tử kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế nhất là với doanh nghiệp, siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn… Tăng cường thanh kiểm tra và quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, đổi mới nhận thức từ tư duy quản lý người nộp thuế sang tư duy phục vụ người nộp thuế.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ chính quyền địa phương, bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12 - đơn vị thu vượt chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm - cũng kiến nghị nhiều vấn đề khó khăn từ thực tế. Đó là công tác chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp.
Bà cho rằng, hộ kinh doanh cá thể hầu hết quy mô nhỏ, lao động gia đình nên năng lực quản lý kém, nếu phải lên doanh nghiệp họ phải thực hiện sổ sách kế toán phức tạp, sợ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cao hơn… Trong khi, với quy mô nhỏ lẻ, họ muốn biết số thuế cụ thể ấn định là bao nhiêu để dễ dự liệu thực hiện.
Do vậy, Nhà nước cần có chính sách khai báo thuế đặc thù cho những doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sao đơn giản nhất, thuận tiện nhất.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu ngành thuế nhận diện đúng khó khăn, tham mưu cho TP trong việc triển khai các giải pháp tăng nguồn thu, thu đúng, thu đủ. Đồng thời, chú trọng công tác cải cách hành chính để đồng hành cùng doanh nghiệp, làm sao để công tác thanh kiểm tra phải chặt chẽ nhưng tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Kiểm tra là phải “trúng”, đừng vì không trúng mà cố kéo dài, gây khó doanh nghiệp”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhắc nhở.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh rõ quan điểm, giải quyết căn cơ để tăng thu là cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn phát triển, chứ không phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để tăng thu. Thanh tra, kiểm tra chỉ để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, chống gian lận thuế, chống thất thu thuế.
Do vậy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo ngành thuế phải tập trung các giải pháp tạo thuận tiện cho doanh nghiệp như: hoàn thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử để giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, liên kết với các ngành hải quan, kho bạc, tài nguyên… để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.