Tất cả đã vẽ nên bức tranh đẹp về lòng yêu thương con người, về quan niệm hạnh phúc khi được sẻ chia của người Sài Gòn…
1. Cuộc sống quanh ta luôn có rất nhiều người tốt. Truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”… luôn được lưu giữ qua bao đời, bao thế hệ người Việt trên mọi miền đất nước.
Có thể nói, Sài Gòn - TPHCM là quê hương không của riêng ai. Dường như ở thành phố này, công dân gốc gác từ vùng quê nào trên mọi miền Tổ quốc cũng đều có. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, Sài Gòn trở thành nơi “đất lành chim đậu” của bao thế hệ người Việt trên khắp đất nước. Nghĩa tình của người Sài Gòn, tấm lòng của người Sài Gòn là sự kết tinh những điều tốt đẹp, nhân văn nhất của cha ông bao đời để lại. Có lẽ vì thế, mà tấm lòng hào hiệp, lòng nhân ái của người Sài Gòn cũng khác với nhiều nơi. Cách sẻ chia giúp người khốn khó của họ cũng muôn sắc màu, đa dạng cách thể hiện, trên tinh thần “của cho không bằng cách cho”…
Tình nguyện viên tham gia phục vụ bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo Bệnh viện Quân y 175, TPHCM Hãy nhìn cách người TPHCM nhạy bén, nghĩa tình, yêu thương một cách chân thật với những đồng bào gặp nạn trong vụ hỏa hoạn ở chung cư Carina (quận 8) trong năm 2018 vừa qua để thẩm thấu hơn về tình người. Vụ cháy trong đêm, thiệt hại nặng nề về người và của. Hàng ngàn cư dân ở chung cư này phải sống tạm cư, không quần áo, tiền bạc, lương thực… ngay sau đêm đó.
Buổi sáng hôm sau, trong khi lực lượng chữa cháy và các cơ quan chức năng còn đang phong tỏa hiện trường thì đã xuất hiện nhiều nhóm từ thiện đến tiếp tế lương thực, thuốc men, quần áo, giày dép, nước uống giúp những người bị nạn.
Không ai bảo ai, cũng chưa có sự kêu gọi của chính quyền, các nhóm từ thiện ở nhiều nơi trong thành phố tự chung góp, vận động trong điều kiện có thể để kịp thời sẻ chia khó khăn cùng bà con gặp nạn. Họ đến với nhau từ tiếng gọi thôi thúc của con tim, bằng tấm lòng nhân nghĩa bao đời!
2. Từ sớm tinh mơ, ở hành lang nhiều bệnh viện trong thành phố, hình ảnh các bệnh nhân nghèo và người thân đứng xếp hàng chờ đến lượt nhận cơm, cháo, nước uống miễn phí, đã trở nên quen thuộc.
Ban đầu, những bữa ăn miễn phí giúp bệnh nhân nghèo do các nhóm từ thiện tự phát tổ chức bên ngoài, rồi mang đến liên hệ các bệnh viện nhờ hỗ trợ thông báo cho bệnh nhân để được phát tặng.
Dần dà, qua nhiều năm, thấy nhu cầu của nhiều bệnh nhân nghèo điều trị lâu dài ở bệnh viện có bữa ăn miễn phí đủ dinh dưỡng là cần kíp, nên đã hình thành nhiều bếp ăn từ thiện ngay trong các bệnh viện. Nhiều bếp ăn từ thiện khác được tổ chức bên ngoài cũng hoạt động khá hiệu quả và được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội…
Và mấy chục năm qua, Quỹ Xã hội từ thiện Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trở thành cầu nối để các nhà hảo tâm, bạn đọc được đồng hành với các bếp ăn từ thiện này. Hàng tháng, hàng quý, Quỹ Xã hội từ thiện của báo đều được các bạn đọc, nhà hảo tâm tin tưởng, hỗ trợ như: Bếp ăn từ thiện Bảo Hòa ở quận 1, Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Ung bướu…
Gần đây, trong khuôn viên Bệnh viện 175 cũng đã hình thành bếp ăn của Nhóm từ thiện Mười Thu, Bếp cháo miễn phí của Hội Cựu chiến binh… Tất cả đã sớm trở thành nơi trợ giúp người bệnh nghèo khó khăn đang điều trị lâu dài ở các bệnh viện.
3. “Cho đi để còn mãi” - đó là phương châm sống của nhóm phật tử lớn tuổi ở nhiều nơi trong TPHCM cùng tâm nguyện đi chùa lễ Phật và gieo duyên lành bằng những việc làm thiện nguyện. Họ là những nhà giáo về hưu, tiểu thương, người mua bán, sản xuất nhỏ… muốn chia sẻ chút tình nhân ái với những mảnh đời còn lắm khó khăn.
Thường nhật, họ làm đủ công việc, nghề nghiệp, sức khỏe cũng khác nhau, nhưng cứ 1, 2 tuần họ lại hẹn nhau lên đường hành hương, cũng là dịp để kết hợp tham quan một số thắng cảnh. Mỗi lần như vậy, họ chung góp tiền thuê xe, mua quà tặng, góp tiền cúng dường và tặng quà từ thiện cho người khó khăn, trẻ cơ nhỡ nơi địa phương sẽ đến.
Mỗi chuyến đi như vậy, họ bàn nhau lên kế hoạch làm từ thiện, lúc thì tổ chức nấu cháo phát cho bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện, lúc thì vận động quyên góp giúp đồng bào bị bão lũ ở các vùng miền trong mỗi đợt thiên tai… Nhiều năm rồi, họ vẫn làm như vậy, kể cả những khi trái gió, trở trời, buôn bán ế ẩm.
Hàng ngày, đi qua nhiều ngã phố, nơi dân lao động nghèo tập họp mưu sinh, ở trước cửa nhà hay góc ngã tư nào đó, hình ảnh những thùng trà đá miễn phí, những tủ bánh mì “mỗi người một ổ”, bảng thông báo “cắt tóc miễn phí… bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật…” lại hiện lên chan chứa tình người.
Nhìn lại lịch sử 320 năm của Sài Gòn - TPHCM, chúng ta thấy rất đỗi tự hào vì bao điều tốt đẹp mà người dân vùng đất này mang đến cho cuộc đời, tạo nên tố chất văn hóa mang tính đẳng cấp của con người Sài Gòn, về lòng nhân ái, về sự sẻ chia khó khăn cùng đồng loại, về cách sống cao thượng, nghĩa tình… Là công dân Sài Gòn - TPHCM, chúng ta có quyền tự hào về điều đó.
° Bé Hà My (học lớp 8, nhà ở quận 4, TPHCM) được bà nội dạy cách giữ quần áo, đồ dùng cũ để làm từ thiện, giúp người nghèo; dạy sống tử tế đã vun đắp lòng nhân ái, tạo thành thói quen, nếp nghĩ trong nhà. Hà My kể: “Bà nội con thích làm từ thiện lắm. Bà đọc báo, hễ thấy có đăng về những hoàn cảnh đáng thương là bà mang tiền đi giúp đỡ liền. Bà dạy chị em con tiết kiệm, để dành nhiều khoản, trong đó có khoản tiền để làm từ thiện. Mỗi khi bà và các bạn của bà đi làm từ thiện, thì tụi con gửi tặng dụng cụ học tập, đồ chơi cũ còn sử dụng được. Thỉnh thoảng bà cho con đi theo đoàn từ thiện đến các nơi xa để tặng quà giúp người nghèo, con rất thích đi cùng”. ° Nhóm cựu học sinh các thời kỳ Trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) có rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa giúp người nghèo ở khắp mọi nơi trên cả nước. Trong các chuyến thiện nguyện, các thành viên đều khuyến khích gia đình mình cùng tham gia để gắn kết sợi dây gia đình, đồng thời giáo dục thế hệ con cháu lòng biết yêu thương, chia sẻ giúp đỡ nhau. ° Không có điều kiện đi làm từ thiện xa, chị Lan Vy (ở quận 10, TPHCM) thường khuyến khích các con cùng đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi - khuyết tật, những mái ấm trong TP, để thăm, cùng chơi và tặng quà. Tình cảm thân thiện, sẻ chia đó cũng đủ làm ấm lòng các bé kém may mắn. Chị Lan Vy cho biết: “Tận mắt chứng kiến cách sinh hoạt, cuộc sống thực tế của các bạn khuyết tật mồ côi, các con của tôi biết trân trọng tình người, biết thương các trẻ khuyết tật, mồ côi và biết yêu thương gia đình hơn, có ý thức cố gắng học tốt hơn. Mỗi khi nghe con bảo nhớ các bạn mồ côi - khuyết tật, tôi xúc động, thấy ấm lòng, hạnh phúc vì con đã sống tình cảm, biết chân thành quan tâm người khác”. ° Bé Bảo Bảo, học lớp 5, Trường Tiểu học Dương Minh Châu (quận 10, TPHCM) chia sẻ: “Những đợt đi thiện nguyện cùng các cô chú bạn của ba mẹ về những miền xa, con được chơi những trò chơi dân dã của trẻ con vùng quê, từ đó dễ dàng hòa nhập, chơi cùng nhau. Con vẫn để dành tiền để khi nào đi từ thiện, con sẽ mua quà tặng các bạn. Con tập thói quen này từ hồi học lớp 3. Cứ mỗi độ xuân về, con đập heo, mua đồ mới, rồi dành lại một ít gửi mẹ đóng góp từ thiện”. Chị Mai, mẹ Bảo Bảo vui mừng kể: “Sau mỗi chuyến đi thiện nguyện trở về, bé Bảo Bảo chững chạc hơn, suy nghĩ người lớn hơn. Biết quan tâm nhiều hơn những người thân của mình. Biết hỏi han bạn bè khi bạn bệnh, có chuyện không vui”. ° Còn các học sinh lớp 8A1 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đã rất náo nức khi được đi làm từ thiện (ảnh). Các bạn đến thăm các bạn nhỏ ở Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận), tặng học sinh của trường ghế nhựa và một thư viện được trang bị đầy đủ bàn, ghế, tủ sách, máy vi tính, sách truyện, tham khảo… đủ loại. Các bạn cùng học sinh địa phương vừa bày trí kệ sách vừa trò chuyện rôm rả như đã quen nhau từ rất lâu rồi vậy. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này các bạn lại nôn nao được cùng phụ huynh đi tặng quà do chính mình quyên góp: tập vở, sách truyện cũ, quần áo cũ… ° Chị Cẩm Loan (ở quận 8, TPHCM) thường dẫn con đi làm từ thiện, chia sẻ suy nghĩ: “Mỗi tấm lòng, mỗi hành động nghĩa tình như một hạt mầm nhân ái. Gieo hạt càng nhiều, vườn nhân ái càng nảy nở, sinh sôi, góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp”. VIỆT NGA |
KIỀU PHAN