Không phải vì Tóc em đuôi gà từ hơn 20 năm trước khiến khán giả cứ nghe có Quang Linh là kéo đến đổ rạp, chật sân. Cũng không phải vì Tiếng hát chim đa đa đã gắn liền với giọng ca xứ Huế ngọt ngào. Trong chương trình Xuân yêu thương do Tổng hội người Việt tại Bỉ tổ chức tại Brussels (Bỉ) vừa qua, nhiều Việt kiều tha thiết yêu cầu “Thương quá Việt Nam đi anh Quang Linh ơi”...
Nguyễn Thị Minh Thu, thành viên Ban tổ chức Xuân yêu thương, tâm sự: “Không biết ở trong nước thế nào chứ hơn chục năm nay tôi mới lại được nghe Quang Linh hát live. Cực sung sức và sinh động. Khác hẳn Quang Linh tôi biết ngày xưa.” Quang Linh kể, ra nước ngoài biểu diễn, thỉnh thoảng bị bà con Việt kiều nhầm với Bằng Kiều vì “cũng nho nhỏ như nhau”. Nhưng bỏ qua chuyện nhầm vui vui, cái tình và sự khát khao với âm nhạc quê nhà của khán giả xa xứ vẫn là chất men cực mạnh để ca sĩ, dù đã hết thời hay đương xuân, nhiều tuổi hay trẻ tuổi, đã nổi tiếng hay sắp vang danh... đều hát say hơn, ngọt hơn và thăng hoa hơn bao giờ hết. Dương Quốc Hưng cũng biểu diễn trong đêm mừng xuân này, mạnh dạn hát bolero phục vụ khán giả Việt kiều. Còn Quang Linh bước ra sân khấu là cầm micro biểu diễn một mạch hơn chục bài, đọc luôn cả rap.
Trong đời nghệ sĩ Việt nên ít nhất một lần ra nước ngoài biểu diễn. Phải đi xa để thấy và thấm giá trị lời ca bằng tiếng Việt có sức mạnh thế nào, để nhận ra sợi dây vô hình ràng buộc con người với quê hương xứ sở ra sao. Ở Berlin (Đức), cộng đồng người Việt đông là thế, tần suất các chương trình ca nhạc Việt tổ chức thường xuyên là thế, khán giả vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Nghe nhạc Việt một mình không đã. Phải có đồng hương, có bạn thưởng thức cùng tiếng mẹ đẻ mới thấm thía. Người viết bài này từng nhiều lần được bạn gốc Việt mời đến nhà chơi, đãi đằng nhau món bật Youtube lên nghe Những bài hát hay nhất về Hà Nội. Đang nghe, bạn chợt hỏi “Hát Từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau kiểu này như Trọng Tấn ấy nhỉ”. Tôi cãi “Ngòn ngọt nhè nhẹ thế này là Tấn Minh chứ. Trọng Tấn giọng dày và rền như bánh chưng ấy”. Nói xong cả lũ im lặng như phố khuya. Nhớ quá. Thèm được nghe nhạc Việt cũng vì thế.
Nếu ngồi xem biểu diễn ca nhạc trong nước, chưa chắc đã có được những tiếng trầm trồ xuýt xoa, những cánh tay giơ điện thoại di động lên chụp ảnh, bảo nhau “giờ có nhiều kiểu áo dài mới đẹp quá, chụp mẫu lại khi nào về nước sắm một bộ”, như ở nước ngoài. Các đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn phục vụ bà con kiều bào thường không đông nên ai cũng trở nên linh hoạt và gần gũi hơn hẳn. Phía sau cánh gà sân khấu thường không có chỗ ngồi, không phòng chờ tươm tất. Có khi chỉ nghỉ tạm trên bậc cầu thang lên sân khấu. Nhưng đã ra sân khấu, thấy sự reo hò của khán giả thì vốn liếng có bao nhiêu bài lôi ra hết. Nghệ sĩ xiếc, diễn viên múa thay phiên lên trợ giúp từng tiết mục cho nhau. Âm thanh trục trặc thì hát chay, hoặc thoải mái mở điện thoại tìm lời nếu khán giả yêu cầu những bài không chuẩn bị sẵn, bài mới.
Khó mà từ chối yêu cầu của khán giả xa xứ. Bù lại, nghệ sĩ luôn nhận được những niềm vui thuần hậu bất ngờ. Giữa giờ nghỉ giải lao, người ta kê thêm chiếc bàn nhỏ ra hành lang, thế là có ngay chỗ cho ca sĩ bán băng đĩa, ký tặng. Người hát người nghe xúm xít trò chuyện, chụp ảnh cùng nhau. Những chiếc nón lá các nghệ sĩ mang ra tặng bà con cũng trở thành món quà đặc biệt hấp dẫn. Không phải vật dụng xa lạ gì, thế mà người ta giơ tay tới tấp, nhao lên xin nón, sung sướng đội ngay lên đầu. Vừa ăn uống, vừa nghe nhạc vừa đội nón. Sao mà vui đến thế. Tôi cũng được tặng một chiếc. Tan đêm nhạc, ra ga tàu để trở về nhà, mưa phùn lất phất, tôi quyết định bỏ mũ len để đội nón. Người đi đường thỉnh thoảng dừng lại, nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò thích thú. Bỗng dâng lên niềm tự hào nho nhỏ. Lại hát Thương quá Việt Nam đi anh Quang Linh ơi.