Sáng qua, khi theo dõi môn bắn súng (dù biết chắc chẳng hy vọng gì) chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam Nguyễn Đức Uýnh. Ông đã nói rất thật rằng bắn súng của Việt Nam chỉ có thể “làm trùm” ở khu vực Đông Nam Á nhưng ra tới đấu trường châu Á thì “chẳng có vị gì, bởi trình độ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã vượt quá xa”.
Rồi ông lại nói một nguyên nhân rất cơ bản đang khiến bắn súng Việt Nam ngày một tuột hậu: Chúng ta có quá ít dịp thi thố ở các giải quốc tế, có quá ít kinh phí khiến các xạ thủ Việt luôn thiếu thốn trang thiết bị tập luyện. Thử tưởng tượng cái cảnh tập luyện mà cứ phải dè sẻn đạn từng viên một hoặc thậm chí giơ súng lên... ngắm nghía vào tâm bia rồi lại hạ xuống thì đủ hiểu.
Những gì ông Uýnh thổ lộ chẳng mới nhưng vẫn khiến xót xa. Nào phải những chuyện như thế chưa từng được đề cập. Đã được nói nhiều rồi, nhưng vẫn chẳng bao nhiêu thay đổi. Chính cái tình cảnh “liệu cơm gắp mắm” hay “nhà nghèo vượt khó” làm cho thành tích đoạt được luôn thuộc dạng được chăng hay chớ, và luôn là những hy vọng theo kiểu… hên xui.
Trò chuyện với ông Uýnh, người viết lại chợt nghĩ, lâu nay, báo chí luôn lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho ngành thể thao, đặc biệt là các tuyển thủ và đội tuyển quốc gia, nhưng ngay chính các phóng viên báo chí cũng có những nỗi niềm mà đâu phải ai cũng biết. Nói đâu xa, ngay Asian Games này thôi, rất nhiều tờ báo đã không có kinh phí cho các phóng viên đi tác nghiệp, dù ai cũng biết đây là một đại hội thể thao lớn nhất châu lục, 4 năm mới diễn ra một lần, và về tầm vóc thì SEA Games còn lâu mới sánh bằng.
Nhiều phóng viên rất muốn được tác nghiệp tại Asiad, nhưng đề xuất đưa lên đều bị lãnh đạo bác ra với lý do “tiền đâu”, hoặc lờ luôn (trừ những đơn vị có doanh thu cao hay được bao cấp thì không nói). Vì thế, thời gian gần đây, nhiều báo đài đã kết hợp theo kiểu “Nhà nước và dân cùng chi”, khi cơ quan chi một khoản, còn lại thì phóng viên tự kiếm tài trợ. Tuy nhiên, nhiều nơi đã nói thẳng: “Nếu không kiếm được tài trợ để đi thì vui lòng… ở nhà”.
Vậy nhưng, phóng viên thể thao đa phần rất say nghề, và do đại hội lần này tổ chức ở Trung Quốc, không quá xa, cũng như chi phí không quá đắt đỏ, nên nhiều phóng viên Việt Nam đã “cắn răng” bỏ tiền túi ra để được một lần góp mặt ở Asian Games cho thỏa máu nghề. Thế nhưng, kiếm được tiền đi đã khó, và việc tác nghiệp ở một kỳ đại hội lớn càng chẳng dễ dàng gì.
o0o
Nhiều người hay tấm tắc, thậm chí có phần ganh tỵ, khi nhìn thấy cánh phóng viên thể thao thường ra nước ngoài tác nghiệp, nhưng những ai từng đi nước ngoài công tác ở một kỳ đại hội lớn thì mới hiểu áp lực và cuộc đua thông tin sẽ khốc liệt như thế nào. Người thì ít, trong khi các môn thi đấu quá nhiều và lại còn ở cách quá xa nhau, các phóng viên Việt Nam luôn trong cảnh “vắt giò lên cổ” mà chạy cho kịp bài vở và hình ảnh, đồng thời không bao giờ được phép để “xổng” thông tin.
Đơn cử, trận bóng đá giữa Olympic Việt Nam - Olympic Iran kết thúc lúc 21 giờ địa phương, cùng lúc đó, một loạt các môn khác đang diễn ra hoặc đã kết thúc. Vì thế, người viết và đồng nghiệp Thanh Lâm của SGGP Thể Thao, cũng như các đồng nghiệp khác, cứ gọi là viết hối viết hả để đẩy nhanh bài vở về cho ở nhà kịp biên tập và lên trang báo ngày hôm sau. Đến lúc viết và gửi bài về nhà xong, ngẩng lên chỉ còn thấy đúng 2 anh em chúng tôi cùng đồng nghiệp Nguyên Khôi của báo Tuổi Trẻ. Đồng hồ khi ấy chỉ 23g45 (giờ địa phương).
Bước ra khỏi cái khu thể thao vắng hoe, lội bộ gần 3 cây số để ra đường chính đón xe về khách sạn, trên đường đi, phóng viên Nguyên Khôi luôn miệng kể chuyện hài để đường về bớt xa, nhưng do vừa đói lại vừa mệt, nên chẳng ai còn cười cho nổi.
Ra đường lớn, đứng đón xe gần nửa giờ đồng hồ, và lội bộ thêm gần cả cây số nữa, thời may, một bác tài có lẽ nhìn bộ dạng của chúng tôi thảm não quá nên động lòng dừng xe để hỏi thăm, khi chúng tôi nói địa chỉ khách sạn, người đàn ông bản xứ này đã đề nghị đưa cho anh ấy 100 nhân dân tệ (hơn 300 ngàn đồng), anh ấy sẽ chở về giúp.
Mừng húm, chúng tôi đã gật đầu ngay lập tức trước lời “đề nghị dễ thương” này, bởi nếu anh chàng đó có đòi 200 hay 300 tệ thì có lẽ chúng tôi cũng phải đồng ý. Giữa đêm lạnh giá và đường xá vắng tanh như thế, 100 tệ để đưa chúng tôi đi gần 50 cây số về nội thành là cái giá quá rẻ. Ngồi trên xe, ba anh em không khỏi rùng mình với ý nghĩ, nếu không có xe về, đêm ấy không biết sẽ ra sao? Đúng là trời chưa phụ người lành!
Trong khi đó, ở lễ khai mạc Á vận hội diễn ra trong nội thành hôm 12-11, nhưng nhiều phóng viên Việt Nam lẫn quốc tế đã không thể đón được taxi về khách sạn, do những tuyến đường xung quanh đảo Hải Tâm Sa đều bị phong tỏa. Vì thế, nhiều anh em đã phải lội bộ gần chục cây số và hơn 3 giờ sáng mới về đến khách sạn.
Những lúc như thế, ai dám bảo đi tác nghiệp ở nước ngoài sung sướng? Tuy nhiên, những điều ấy không làm các phóng viên chạnh lòng bằng việc nhiều quan chức thể thao Việt Nam khi chúng tôi gọi đến để hỏi thăm tin tức như vụ Hoàng Anh Tuấn, thì hoặc là không bắt máy (rồi tắt máy), hoặc là trả lời rất dấm dẳng và thái độ rất bất hợp tác. Sang tận xứ người để thông tin từng bước đi của các đội tuyển Việt Nam một cách bất vụ lợi và nhiều gian nan, nhưng gặp những trường hợp như thế, bỗng dưng cảm thấy lửa nghề bị nguội lạnh đi nhiều lắm.
ĐỖ TUẤN