Trong lời mở đầu, tác giả viết: Những ca khúc Giáng sinh là đề tài muôn thuở, chiếm vị trí riêng biệt và là chủ đề gây tranh cãi bất tận. Có những người say mê đến điên dại nhưng cũng có những người ghét cay ghét đắng thể loại ấy. Nhưng dù bênh vực hay phản đối, có một sự thật không thể chối cãi là nét đa dạng của những bài hát Giáng sinh, từ nhạc Noel theo điệu funk, reggae, bossa-nova, đến rap, heavy metal…
Ở thời đại nào, các ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng đều đua nhau tặng cho người hâm mộ những album nhạc Giáng sinh độc đáo nhất. Kinh điển hơn cả vẫn là bản Jingle Bells được sáng tác năm 1857. Hiếm có tác phẩm nào được từ nhạc sĩ, nhạc công nổi tiếng người Mỹ Duke Ellington đến ban nhạc Anh The Beatles; từ ông vua nhạc opera Pavarotti đến Frank Sinatra cùng nâng niu như ca khúc này.
Đặc điểm tiếp theo của nhạc Giáng sinh là dễ đưa các nghệ sĩ lên đỉnh cao danh vọng. Năm 2011, ca sĩ Justin Bieber thống lĩnh thị trường âm nhạc thế giới với đĩa hát Under the Mistletoe chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần lễ.
Nhạc giáng sinh cũng là phương tiện rất hiệu quả để những ca sĩ hay ban nhạc vang bóng một thời trở lại dưới ánh đèn màu sân khấu. Ngoài những nghệ sĩ chưa thành danh, ngay cả những cây đại thụ trong làng nhạc quốc tế như Bob Dylan hay Nat King Cole đều đã hơn một lần trong sự nghiệp đem giọng hát của mình làm quà tặng ông già áo đỏ.
Ở Mỹ, nhạc Giáng sinh, nhạc Noel tràn ngập đài phát thanh, truyền hình. Đĩa hát về Giáng sinh chiếm nhiều chỗ tại các cửa hàng. Đối với các nghệ sĩ, nhạc giáng sinh là gà đẻ trứng vàng. Nhưng vì sao ai cũng thích nghe nhạc Giáng sinh? Vì sao một tác phẩm như White Christmas được Bing Crosby thu âm và cho phát hành năm 1942 đến nay vẫn ăn khách nhất mọi thời đại?
Steven Jezo Vannier cho hay, để thành công, một ca khúc giáng sinh cần 3 yếu tố: nhịp điệu luyến láy, kỷ niệm tuổi thơ, một chút phép nhiệm màu thoảng chút buồn man mác. Và White Christmas hội tụ đủ cả, nhất là ca khúc ấy lại được phát hành vào mùa đông năm 1942, thời điểm Mỹ vừa tham chiến bên cạnh đồng minh châu Âu trong Thế chiến 2. White Christmas là bài hát của người lính xa nhà, mơ về một mùa Noel xưa, có tuyết trắng, lung linh đầu ngọn cây.
Còn trong văn hóa Pháp, những năm tháng chiến tranh hay sau Thế chiến 2, ca khúc Petit Papa Noel của Tino Rossi năm 1946 cũng đưa thính giả vào thế giới kỳ diệu của mộng mơ. Nhưng đó là một ngoại lệ. Phần lớn những ca khúc Giáng sinh của các nhạc sĩ Pháp ở nửa cuối thế kỷ 20 thường hát về những đứa trẻ không nhà, những đứa bé mồ côi, hay để nói về những mùa Giáng sinh giá lạnh trong lòng người góa phụ...
Ca khúc rất nổi tiếng như Noel de la Rue của Edith Piaf cũng vậy. Nhiều thập niên sau, trong Noel Interdit, Johnny Hallyday đưa ra hình ảnh tương tự như của Edith Piaf khi ông nói về một mùa Giáng sinh của “những đứa trẻ chưa bao giờ tin vào phép lạ, gió đã cuốn đi bao tuổi ngây thơ của những cậu bé mới lớn”.
Steven Jezo Vannier kết luận: Trong buổi họp mặt gia đình đầm ấm, có mấy ai thiết tha với những tiếng thở dài não nuột? Nhạc Giáng sinh của Pháp không bán chạy như ở Mỹ là điều rất dễ hiểu.