Muôn kiểu phá rừng - Bài 3: Nhùng nhằng chuyển giao dự án

Thời gian qua, nhiều tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã ồ ạt giao rừng, đất rừng cho doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, du lịch dưới tán rừng, kết hợp trồng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hàng loạt dự án trong số đó không những không trồng rừng, bảo vệ rừng mà còn để mất rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Không có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm

Tại Lâm Đồng, hàng chục dự án được giao cho doanh nghiệp (DN) thực hiện các tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trồng rừng, nhưng hiệu quả thực sự chưa đáng kể mà diện tích rừng bị mất liên tục tăng theo các năm. Công ty CP Đạ Sar được UBND tỉnh Lâm Đồng giao hơn 116,5ha đất rừng để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái thác Đạ Sar. Tuy nhiên, sau khi nhận đất, nhận rừng, hạng mục đầu tư du lịch chưa thấy, nhưng rừng liên tục bị mất. Đến nay, trong tổng số đất rừng được giao đã bị mất tới 45,8ha, trữ lượng gỗ cũng giảm tới 6.158m3. Nhiều diện tích bị người dân lấn chiếm sản xuất trong thời gian dài nhưng đơn vị này không có biện pháp ngăn chặn.

Muôn kiểu phá rừng - Bài 3: Nhùng nhằng chuyển giao dự án ảnh 1 Rừng thuộc dự án Công ty Thác Rồng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) bị cưa hạ hàng loạt.
Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Gần đó, Công ty TNHH Thành Phong được thuê 99,4ha (trong đó 57,7ha đất có rừng) để thực hiện dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và kết hợp chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh du lịch dưới tán rừng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc triển khai dự án vẫn giậm chân tại chỗ, rừng thì bị phá, đất rừng bị lấn chiếm nghiêm trọng. 

Có thể “điểm mặt” hàng loạt dự án nhận đất rừng nhưng để mất rừng quy mô lớn tại Lâm Đồng như: Dự án của Công ty TNHH An Việt Thế Kỷ 21 (huyện Bảo Lâm) để mất 32,1ha; dự án của Công ty CP Quốc An (huyện Đức Trọng) để mất 43,7ha; dự án thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ bất động sản Di Đức 3 (huyện Đức Trọng) để mất 19,1ha; dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu của Công ty CP Du lịch Thiên Đường Đà Lạt để rừng bị mất, lấn chiếm 8,7ha…

Hơn 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã giao, cho thuê hàng ngàn hécta rừng cho các dự án. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, các đơn vị này để nhiều diện tích rừng bị phá, lấn chiếm. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao 84 dự án phát triển nông lâm nghiệp, chủ yếu giao cho các DN tư nhân và DN cổ phần, trong đó có 45 dự án nông lâm kết hợp, tổng diện tích hơn 37.500ha; 30 dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, tổng diện tích hơn 21.000ha. Tuy nhiên, sau khi thực hiện dự án, các DN đã để người dân xâm canh, lấn chiếm hơn 5.400ha đất rừng. Chẳng hạn, Công ty TNHH Anh Quốc (TPHCM) được tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1.160ha tại tiểu khu 293, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp để trồng 434,5ha cao su, diện tích còn lại là trồng rừng. Công ty này đã trồng 100ha cao su, nhưng cây không phát triển, còi cọc rồi chết dần. Công ty Anh Quốc đã để người dân xâm canh, lấn chiếm 166ha rừng.

Điều tra 4 công ty lâm nghiệp để mất rừng

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đức Việt cho biết, đang phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk lập hồ sơ, rà soát hiện trạng, phương án sử dụng đất đối với 4 công ty lâm nghiệp ở huyện Ea Súp gồm: Cư M’lan, Rừng Xanh, Ya Lốp và Ea H’mơ. Những công ty này đã để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép với quy mô lớn trong một thời gian dài mà nguyên nhân được cho là do sự buông lỏng quản lý. Từ năm 2010-2016, Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh đã để người dân lấn chiếm, xâm canh 2.270/14.000ha rừng và đất rừng được giao ở địa bàn 2 xã Ea Rốk và Cư Kbang. Công ty Cư M’lan được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 15.700ha rừng và đất rừng, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã để mất hơn 10.500ha rừng và đất rừng. Tương tự, 2 công ty còn lại cũng để người dân phá và lấn chiếm hàng ngàn hécta rừng.

Tại Gia Lai, dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là dự án “tốn rừng” nhất trong hàng chục năm qua, đồng thời để lại hệ lụy kéo dài. Từ năm 2008, tỉnh Gia Lai cấp phép cho 17 DN thực hiện 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo, với diện tích hơn 32.000ha. Trong đó, diện tích đã khai hoang là hơn 27.600ha, diện tích đã trồng cao su hơn 25.500ha. Tuy nhiên, nhiều nơi, dự án chuyển rừng trồng cao su đã “vỡ mộng” khi cao su không phát triển. Ghi nhận tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, nhiều vạt cao su đã bị chết khô, chỉ còn trơ trọi vài cây giữa đất cằn. Nhiều vị trí khác, cao su còn sống nhưng còi cọc, mọc lưa thưa. Theo Quyền Chủ tịch UBND xã Ia Blứ Lê Quang Vang, trên địa bàn xã có 6 DN được cho chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su với diện tích khoảng 5.000ha. Trong 6 dự án thì dự án của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có lượng cao su chết nhiều nhất, chiếm khoảng 70%-80%. Cũng tại dự án này, thời điểm đầu vụ mùa năm nay, dân thấy cao su chết, đất bỏ hoang nên xâm chiếm đất để trồng mì, bắp với diện tích khoảng 50ha.

Loay hoay thu hồi, chuyển đổi

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đức Việt cho rằng, nhiều DN cao su ở Đắk Lắk hoạt động không hiệu quả. Do giá cao su xuống thấp nên các DN bỏ bê, không chăm sóc khiến cây còi cọc rồi chết dần. Ngoài ra, các DN không có năng lực trong quản lý bảo vệ rừng nên để người dân xâm canh, lấn chiếm đất. Trước tình trạng đó, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hàng loạt dự án nông, lâm nghiệp của các công ty, trong đó có Công ty Anh Quốc, Công ty CP Cao su Phú Riềng Kratie, Công ty CP Trồng rừng Trường Thành…

Còn tại Đắk Nông, Sở NN-PTNT tỉnh đã yêu cầu 11 DN bồi thường số tiền 139 tỷ đồng vì để rừng bị tàn phá lên đến 1.200ha. 11 DN này đã được UBND tỉnh giao 3.900ha rừng để triển khai các dự án nông lâm kết hợp nhưng do quản lý lỏng lẻo, công tác bảo vệ rừng không hiệu quả, dẫn đến rừng bị tàn phá với diện tích lớn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, 53 DN tại Lâm Đồng đang còn nợ hơn 241 tỷ đồng tiền bồi thường khi để xảy ra mất rừng và thiệt hại về môi trường. Đây được coi là những món nợ “khó đòi” vì chế tài xử lý đối với người đứng đầu các DN chưa nghiêm. Như tại dự án của Công ty TNHH Thành Phong để mất tới 27,9ha rừng, trong đó có tới 11,3ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu, 8,2ha thuộc rừng sản xuất, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành tính toán giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại để yêu cầu công ty này bồi thường theo quy định. Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sản xuất tại xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) với diện tích khoảng 800ha.

Tháng 10-2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba kiểm tra, phát hiện ở đây đang đào hố trồng cây mắc ca, sầu riêng với diện tích 16.000m2. Còn tại tỉnh Đắk Nông, năm 2017, ông N.V.S. đăng ký với Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa để trồng 5ha rừng tại khoảnh 8, lô 7, Tiểu khu 1704 (địa giới hành chính xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long). Tuy nhiên, khi chúng tôi khảo sát thì thấy toàn bơ và các cây nông nghiệp khác. Không chỉ vậy, ông S. còn lập mỏ khai thác vàng trái phép trên diện tích này.

Trở lại tỉnh Gia Lai, sau khi “hy sinh” rừng để trồng cao su nhưng không hiệu quả, nhiều DN lại tiếp tục xin chuyển đổi dự án. Quyền Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh Lê Quang Vang cho biết, năm 2019, trên diện tích cao su bị chết, kém phát triển, các DN xin chuyển sang làm dự án khác. Trong đó, có 1 DN xin chuyển để trồng 300ha sang cây ăn quả và đã được cấp phép. Có 3 DN là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH MTV Trang Đức, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng công trình 194 xin chuyển qua làm điện năng lượng và điện gió nhưng chưa được phê duyệt. 2 DN trồng cao su là Công ty TNHH Đệ Nhất Việt Hàn và Công ty TNHH Phúc Cường chưa xin chuyển đổi, vẫn trồng cao su nhưng “không ăn thua”, hiện bỏ hoang một số diện tích, hoặc trồng xen cây keo.

Không cấp chứng chỉ khai thác lâm sản tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Trong 2 ngày 11 và 12-11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 và tổng kết quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay toàn quốc có hơn 14,6 triệu hécta rừng (hơn 10,2 triệu hécta rừng tự nhiên); trong đó có 2,16 triệu hécta đất có rừng đặc dụng, 4,64 triệu hécta đất có rừng phòng hộ. Trong năm 2020, cả nước trồng được 4.803ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, các cánh rừng này đang chịu nhiều tác động tiêu cực khi xảy ra tổng cộng 2.049 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị các đơn vị, địa phương phải bảo tồn cho được rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang có. Đồng thời, không cấp chứng chỉ khai thác lâm sản tại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, không được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Tin cùng chuyên mục