Từ những khu phố nổi tiếng đón khách nước ngoài như: Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão (quận 1)…, đến hàng loạt quán cà phê, trung tâm thương mại ở vị trí đắc địa trong thành phố cũng trang trí các phiên bản mặt nạ ma quỷ, bí ngô để hưởng ứng ngày lễ này. Một lý giải đơn giản và dễ hiểu chính là bài toán kinh doanh phải thu hút khách. Liên tục đổi mới không gian, bắt kịp xu hướng lễ hội… chính là chiêu để khách hàng tìm đến và có thể chiều lòng một lượng khách quốc tế.
Nhưng Halloween sẽ như thế nào, khi khắp nơi hưởng ứng một cách vô tội vạ và trở thành ngày hội mong đợi ở nhiều trường học? Câu chuyện từ mùa lễ hội năm trước đến tận năm nay, khiến nhiều người ngao ngán. Những khuôn mặt học sinh ngây thơ, thậm chí ở lứa tuổi cấp 1 nhưng khoác lên mình những bộ áo quần dị hợm, mặt nạ đầy máu trong ngày Halloween ở trường…; hay nhóm bạn trẻ hóa trang, dựng hiện trường quá đà một tai nạn giao thông tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), khiến lực lượng chức năng phải khẩn trương vào cuộc để giải quyết tình trạng kẹt xe do người dân hiếu kỳ vây quanh.
Việc hưởng ứng một ngày lễ văn hóa nổi tiếng của nước ngoài không có gì sai nhưng có xứng đáng để người trẻ phải đánh đổi nhiều thứ, từ những bộ đồ, phụ kiện có khi tính tiền triệu đến cả việc vi phạm pháp luật… Chẳng mấy ai, kể cả những người khoác lên mình các bộ cánh ma quỷ đắt tiền quan tâm tìm hiểu ý nghĩa thực sự của lễ hội này. Cũng vì việc thiếu hiểu biết mà nhiều người trở nên quá đà, biến một lễ hội có ý nghĩa nhân văn tích cực trở thành một hoạt động giật gân, làm mọi cách để gây ấn tượng mạnh nhằm tạo sự chú ý.
Hội nhập quốc tế đa chiều, việc đón nhận và tiếp biến những làn sóng văn hóa từ bên ngoài trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đón nhận và tiếp biến đến đâu, thực sự là vấn đề cần quan tâm, bởi văn hóa là sự đa dạng và khác biệt, không thể “đồng phục” lễ hội nơi nào cũng như nhau. Và xa hơn nữa, để giữ bản sắc, văn hóa dân tộc, không “hòa tan” khi tiếp xúc những làn sóng văn hóa lớn từ bên ngoài của quá trình hội nhập toàn cầu, cần sự am hiểu trong mỗi người. Những cái hay, cái đẹp từ bên ngoài cần được tiếp thu có chọn lọc và quan trọng hơn hết là hiểu văn hóa của đất nước mình để biến đổi những sắc màu lễ hội bên ngoài phù hợp với dòng chảy nội tại, đó mới là cách nâng tầm và vươn tầm bản sắc quê hương trong mạch chảy văn hóa toàn cầu.