Sáng 4-4, đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM dẫn đầu đã tới kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận 1 và quận 7.
Tham gia đoàn còn có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; lãnh đạo các sở Y tế, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP, Trưởng ban BQL các khu chế xuất và công nghiệp, lãnh đạo UBND quận 7.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), ông Tsao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, Chủ đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, công ty hiện có hơn 400 cán bộ nhân viên, trong đó bộ phận văn phòng có 60 người, còn lại là các nhân viên bảo vệ, vệ sinh, cây xanh… chủ yếu làm việc bên ngoài văn phòng.
Các biện pháp cơ bản nhất là thực hiện nghiêm rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ. Tay vịn trong thang máy được khử trùng 2 tiếng một lần, nút bấm khử trùng mỗi tiếng một lần… Công ty phát đủ khẩu trang cho tất cả người lao động làm việc tai công ty, làm nghiêm ngặt việc khử trùng và phân tán bớt người, đưa 1/3 số nhân viên sang làm việc tại khu văn phòng dự bị và 1/3 số nhân viên làm việc tại nhà.
Tại căng tin, nhân viên giữ khoảng cách 2m hoặc mang thức ăn riêng. Từ tháng 3, công ty không giải quyết cho người lao động nghỉ phép để đi du lịch, phổ biến cho cán bộ nhân viên không đi chơi vào dịp cuối tuần…
Với 168 doanh nghiệp (có khoảng 56.000 lao động) trong khu chế xuất, công ty luôn thông báo kịp thời các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch, lập nhóm trên zalo với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời.
Đánh giá cao những biện pháp chủ động, kịp thời của Công ty TNHH Tân Thuận đã thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm cũng lưu ý công ty cần tăng cường có sự theo dõi, kiểm tra mức độ thực hiện của 168 doanh nghiệp tại Khu chế xuất.
Đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh các nội dung cần thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện vật tư phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động, ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì phải ngừng hoạt động.
Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng nhấn mạnh thêm từ nay đến ngày 15-4 phải tập trung quyết liệt hơn nữa, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP, làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để một ca lây nhiễm nào ở Khu chế xuất Tân Thuận, góp phần chung cho công tác chống dịch của thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng Công ty TNHH Tân Thuận đã có những biện pháp ứng phó cụ thể, chủ động nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công nhân, nhân viên tại đơn vị.
Đồng chí cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Công ty TNHH Tân Thuận với Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (HEPZA) và quận 7, đề nghị phát huy trong thời gian tới. Đồng thời hoan nghênh vai trò của Công đoàn Khu chế xuất Tân Thuận đã có những việc làm thiết thực như liên kết với các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm để phân phối cho công nhân... đã góp phần lớn trong bảo vệ sản xuất, bảo đảm ngăn ngừa, phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn bài học từ Singapore trong việc thực hiện giãn cách xã hội, cho rằng nên đảm bảo số người làm việc tại đơn vị tối đa chỉ 1/3, còn lại làm việc online thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là cơ hội để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tăng hiệu quả công việc. UBND TP đã giao Sở Thông tin và Truyền thông thành lập đội công nghệ thông tin giúp các đơn vị triển khai mạnh mẽ vấn đề này.
Đồng chí cũng đề nghị Liên đoàn Lao động TP cùng với Công đoàn Khu chế xuất Tân Thuận tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, để công nhân thấy rằng muốn không mất việc càng phải thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.
“Trước hết phải nhận thức đầy đủ vấn đề. Còn những vấn đề thực tiễn phát sinh trong sản xuất, điều kiện của từng doanh nghiệp thì phải tính toán làm sao để hạn chế sự tiếp xúc”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. |
Theo đồng chí, không chỉ riêng Khu chế xuất Tân Thuận mà các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khác của TP cũng đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sắp tới UBND TP sẽ hướng dẫn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao xác nhận việc cam kết của các doanh nghiệp trong thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của ngành y tế và Ban Chỉ đạo TP về việc ngăn ngừa phòng, chống dịch. Mỗi doanh nghiệp phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị quan tâm, trong lúc khó khăn này giải pháp tốt là ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo yêu cầu điều hành quản lý sản xuất của đơn vị.
Trong buổi sáng 4-4, đoàn công tác cũng tới kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty Techlink (thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) và công trình khách sạn Hilton Sài Gòn (tại Công trường Mê Linh, quận 1).
Ngành may mặc ảnh hưởng nặng nề nhấtTrưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (HEPZA) Nguyễn Hoàng Năng cho biết, tính đến ngày 3-4 có 33 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng bởi dịch, với 6.123 lao động ngừng việc tạm thời (chỉ hưởng mức lương cơ bản) và 998 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên nhân chính là do giảm đơn hàng. Trong đó, ngành may mặc bị tác động nhiều nhất thời gian qua, do không có nguyên liệu và không có đơn hàng. Vừa qua theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, HEPZA đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp báo cáo thiệt hại để xin chủ trương hỗ trợ. Theo Trưởng ban HEPZA, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp như đo nhiệt độ, trang bị nước rửa tay, đảm bảo khẩu trang cho công nhân, điều phối khoảng cách. Trong sản xuất nếu đảm bảo 2m là rất khó, nên cũng cố gắng giãn cách, hạn chế tiếp xúc… |