Dự án này do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) là nhà thầu thi công.
Mặc dù thời gian qua, UBND huyện Bình Sơn và ngành giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã gửi hàng chục văn bản đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu cùng với các bộ ngành có liên quan để đôn đốc thực hiện việc khắc phục, nhưng nhà thầu thi công lại viện lý do khó khăn tài chính, không có nguồn vốn để sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường cùng lúc và cho biết: “Sẽ thi công tạm những điểm hư hỏng, làm tạm những điểm hư hỏng nặng. Sau đó làm toàn bộ tuyến đường vào tháng 3-2020”.
Điều ngạc nhiên, 7 tuyến đường hư hỏng nặng cần phải sửa chữa kịp thời chỉ tốn khoảng 10 tỷ đồng, là số tiền không quá lớn đối với một nhà thầu thi công những gói thầu lên đến hàng ngàn tỷ đồng trong dự án lớn như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Không thể để xảy ra tình trạng các tuyến đường dân sinh sau khi mượn để thi công thì bị tan nát, gây hiểm họa cho người đi đường, vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.
Việc thi công kém chất lượng, chậm khắc phục các tồn tại, mất an toàn giao thông còn có nguyên nhân chủ quan từ phía Việt Nam, nếu bộ ngành, cơ quan chức năng quản lý tốt, chủ đầu tư có trách nhiệm thì đã không để xảy ra tình trạng như vậy.
7 tuyến đường mượn phục vụ thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng, cần phải được sửa chữa kịp thời. Đừng chờ đợi sự tự giác từ nhà thầu thi công, kéo dài tình trạng gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, mất an toàn giao thông.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam với vai trò chủ đầu tư hãy chủ động sử dụng tiền bảo hành của nhà thầu trong hợp đồng để thuê đơn vị sửa chữa, kịp khắc phục các tồn tại.
Đối với nhà thầu thi công không làm tròn trách nhiệm, vi phạm quy định đảm bảo an toàn giao thông, cần áp dụng các biện pháp chế tài như không cho phép thực hiện các công trình tiếp theo, cấm tham gia đấu thầu các dự án trong ngành.