*PHÓNG VIÊN: Thưa ông, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô cũng như thu hút số lượng lao động, nhưng tại sao hiện nay, tốc độ tăng năng suất lao động lại chậm hơn so với một số địa phương khác?
* Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG: Thực ra, năng suất lao động tại TPHCM vốn dĩ đã cao hơn mức bình quân cả nước. Còn ở các địa phương khác, năng suất lao động tăng nhanh hơn vì họ đang trong quá trình chuyển đổi và phát triển; đồng thời, trước đây năng suất lao động của họ xuất phát ở mức thấp nên bây giờ tăng nhanh. Còn năng suất lao động ở TPHCM ở mức cao nên khi tăng thì chậm hơn, nhưng thực chất là vẫn tăng.
* Nhìn trên phương diện cả quốc gia, theo ông, cần làm gì nhằm tăng năng suất lao động của Việt Nam, để không bị tụt quá xa so với các nước trong khu vực?
* Theo tôi, có rất nhiều việc cần làm để tăng năng suất lao động, chẳng hạn như tiếp tục chuyển đổi khu vực lao động nông thôn sang đô thị, chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp, tăng cường ứng dụng KH-CN…
Trong đó, có 2 giải pháp mà có thể tập trung và ưu tiên. Thứ nhất là tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ và đặc biệt là chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho người lao động. Việc này không chỉ trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức công đoàn, mà các doanh nghiệp cũng cần nhận thấy lợi ích của việc nâng cao năng suất lao động để chủ động đào tạo cho người lao động của mình.
Thứ hai là đảm bảo hệ thống an sinh cho người lao động ngay từ trong môi trường lao động (ví dụ có mức lương, thu nhập tốt để đảm bảo cuộc sống) đến các vấn đề bên ngoài môi trường làm việc, như nhà ở, đi lại, nơi gửi con cái, trường học… rồi giảm giờ làm để tạo điều kiện cho người lao động học tập, giải trí, có cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm… Có làm được như vậy thì người lao động mới yên tâm sản xuất, mới có thể nâng cao năng suất lao động.
Theo tôi, doanh nghiệp phải đảm bảo mức lương cao cho người lao động. Vì người lao động phải có tích lũy cho tương lai thì họ mới hăng say làm việc, mới có sáng tạo, mới nỗ lực tạo ra giá trị. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn.
* Thưa ông, có mâu thuẫn không khi chúng ta cần tăng năng suất lao động, nhưng lại đòi hỏi giảm giờ làm?
* Đề xuất giảm giờ làm cho người lao động là hoàn toàn chính đáng. Đề xuất này của tổ chức công đoàn, theo tôi, sẽ tạo ra sức ép tích cực cho doanh nghiệp. Vấn đề không phải là giảm giờ làm thì giảm sản lượng sản phẩm. Nếu giảm thời gian lao động nhưng vẫn giữ được sản lượng thì có nghĩa là năng suất lao động đã tăng rồi. Theo tôi, năng suất lao động cần phải đánh giá ở nhiều tiêu chí. Không thể tiếp tục tình trạng anh muốn duy trì mức chi phí (trả lương) thấp mà đòi có năng suất lao động cao. Vấn đề này cũng đã được nhiều người đặt ra hôm nay. Ở đây không phải là câu chuyện con gà - quả trứng (phải có năng suất cao thì có lương cao), mà anh phải có mức đãi ngộ cao thì mới thúc đẩy người ta hăng say lao động. Ý tứ của chúng tôi khi đề xuất giảm giờ làm là ở chỗ đó. Tóm lại, theo tôi, chi phí lao động tăng lên thì năng suất lao động tăng lên.
*Còn nếu vẫn duy trì như hiện nay thì như thế nào?
* Hiện nay, chúng ta đang duy trì mức giờ làm việc theo quy định là 48 giờ/tuần (tức 8 giờ/ngày trong 6 ngày). Như thế, người lao động chỉ có 1 ngày để nghỉ. Thời gian để tái tạo sức lao động, thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình, tự đào tạo, vui chơi giải trí để nâng cao sức khỏe tinh thần… là rất hạn chế.
Nếu chúng ta kéo được thời gian làm việc xuống, tăng thời gian nghỉ ngơi lên thì sẽ có nhiều thời gian để người lao động được giải tỏa tinh thần. Bởi đây là câu chuyện lớn trên thế giới, nhiều trường hợp do lao động căng thẳng dẫn đến stress, các hội chứng tâm lý tại đô thị… và quay trở lại ảnh hưởng năng suất lao động. Như vậy, hiện nay, người ta đã bắt đầu thấy, vấn đề không chỉ là tiền lương mà còn là sức khỏe tinh thần nữa. Một người lao động đi vào làm việc với tâm trạng không tốt thì rõ ràng năng suất không tốt.