Ngày 20-12 đánh dấu cuộc đua của 2 phim Việt được mong chờ nhất trong nửa cuối năm 2019 là Mắt biếc và Chị chị em em. Đây cũng là 2 bộ phim có chiến lược PR rất bài bản: công bố dàn diễn viên, tiết lộ hình ảnh đầu tiên, teaser poster, trailer, hình ảnh hậu trường, quá trình làm phim, chia sẻ của diễn viên và đạo diễn, nhạc phim… Các ê kíp phụ trách PR luôn cân nhắc thời điểm nào sẽ công bố thông tin gì, giống như trò chơi lật ô chữ nhằm kích thích sự quan tâm của giới truyền thông và khán giả.
Tại buổi giới thiệu dự án Sắc đẹp dối trá, người đẹp chuyển giới Hương Giang liên tục nhắc đi nhắc lại: “Không được phép tiết lộ vì mọi thứ nằm trong kế hoạch PR”. Những chiến dịch PR kiểu này xuất hiện trong hầu hết các dự án phim của những nhà phát hành phim lớn như CGV, Galaxy, BHD…
Các chiến dịch PR phim luôn muôn hình vạn trạng. Bên cạnh hình thức PR truyền thống như gửi thông tin đến báo chí, hợp tác bảo trợ thông tin, quảng cáo biểu bảng ngoài trời…, nhiều bộ phim còn lập các fanpage để đăng tải thông tin hình ảnh, sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) để quảng bá.
Tính tương tác và lan tỏa trên mạng xã hội cũng rất được các ê kíp chú trọng. Qua rồi thời “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều chiến dịch PR phim thành công đã góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Có thể kể đến những: Em là bà nội của anh, Chàng vợ của em, Em chưa 18, Hồn papa da con gái, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Hai Phượng, Lật mặt... đều được đánh giá khá chỉn chu.
Cùng với tính cạnh tranh, sự tương tác giữa các chiến dịch PR cũng ngày càng phổ biến. Mùa phim Tết 2019, Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh liên tục ganh đua công bố thông tin về doanh thu theo từng ngày. Mới đây nhất, hình ảnh poster chính thức của Mắt biếc cũng được bộ phim Anh trai yêu quái “lồng ghép” lại và tạo nên những tranh cãi trái chiều.
Trên thực tế, chiêu trò trong quá trình PR phim không phải lúc nào cũng có tác dụng. Đơn cử như trường hợp bộ phim Chị chị em em vừa công bố thông tin “sập hệ thống bán vé” vì phim hot và so sánh với trường hợp của Avengers: Endgame, nhưng sau đó đã nhanh chóng xóa thông tin này. Nhiều bộ phim sử dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội để kêu gọi tình thương của khán giả như Song lang, Thưa mẹ con đi, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, Ngốc ơi tuổi 17… nhưng cũng không thành công. Nhưng phản cảm hơn cả là việc sử dụng câu chuyện đời tư, phim giả tình thật, cảnh nóng, giới tính… để câu kéo khán giả.
Một bộ phim muốn thành công về doanh thu luôn phải đảm bảo điều kiện chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả. Trong bối cảnh gu thẩm mỹ, trình độ thưởng thức, nhu cầu của khán giả ngày càng cao, những chiến dịch PR không thể lấp liếm cho những bộ phim kém chất lượng.
PR là điều tất yếu và không thể thiếu, nhưng việc quảng bá đó như thế nào để không phản tác dụng là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Một chiến dịch PR không thể quyết định thành công cho bộ phim và một bộ phim không thể chỉ chờ đợi vào công tác PR.