Không khó để bắt gặp hình ảnh những xe bán trái cây dạo nhưng chỉ đề giá 1/2kg, xuất hiện trên khắp các tuyến phố. Chúng có mặt trên nhiều tuyến đường lớn ở khắp các quận, huyện từ trung tâm đến ngoại thành: Phạm Văn Đồng, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Trương Định, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Oanh…
Có một đặc điểm chung của “chiêu” bán hàng đã rất quen thuộc này: số 1 thường ghi rất lớn, còn số 2 nhỏ bé khép nép hết mức có thể, nhiều khi cố tình ghi chệch choạc trên những tấm bìa carton hay những miếng xốp. Khách đi đường phải nhìn thật tinh mới thấy. Trong nhiều trường hợp, khách dừng xe lại mới phát hiện sự thật hỡi ôi đâu có rẻ như bảng đề giá.
Theo thời, chuyện ghi 1/2 giá vẫn tồn tại nhưng lại có thêm những “chiêu” bán hàng mới kiểu “combo” hay để mức giá sàn. Dạng combo hiện khá phổ biến, kiểu như: 15.000 đồng 2kg thanh long, 50.000 đồng 3 con cá lóc, 20.000 đồng 3kg cam, 10.000 đồng 3 bó rau…, mà còn được phát bằng loa thay vì rao miệng, ai đi đường cũng nghe được. Trong khi đó, một dạng “hiệu ứng chim mồi” khác của người bán hàng là để giá sàn (tức là giá thấp nhất) nhằm hút người mua. Nhưng, nếu dừng lại hỏi, đó chỉ là giá cho những sản phẩm bé nhất, xấu nhất bên cạnh những sản phẩm to, đẹp, bắt mắt hơn. Đương nhiên, mức giá phải cao hơn. Chiêu này, nếu ai thường xuyên mua hàng online trên các trang thương mại điện tử rất dễ bắt gặp. Vậy mới thấy, đừng nghĩ bán trái cây lề đường, người bán hàng không cập nhật xu hướng mới.
Chuyện về những chiêu thức bán hàng này từng gây ra không ít tranh cãi. Người ở thành phố dễ đến mấy chục năm qua đã quen với hình ảnh này. Nhiều người lần đầu đến thành phố thì tò mò. Người phản đối gọi đó là tiểu xảo, một kiểu lừa khách hàng. Người thì cho là bình thường, tặc lưỡi cho qua vì mua hay không, quyền ở mình. Thậm chí có hẳn các đánh giá dưới góc nhìn marketing (tiếp thị). Những chiêu thức bán hàng để 1/2 giá, giá sàn được gọi bằng thuật ngữ thu hút ánh nhìn (eye-catching). Tất nhiên, rất ít người bán hàng nghĩ đến chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng (customer database), hay quan tâm tới trải nghiệm khách hàng (customer experience). Cuộc sống rong ruổi trên các tuyến phố, đa phần bán buôn theo thời vụ, mục tiêu lớn nhất của họ là mỗi ngày bước chân ra đường bán được càng nhiều hàng càng tốt, ai rảnh đâu mà cũng rành đâu mà data với chả customer…
Nhưng, thành phố này cũng có chiêu bán hàng rất biết cách chiều lòng khách: “bao ăn”. Nào là: chôm chôm bao ngọt, xoài bao ngon, dưa hấu bao rẻ, rau củ bao tươi… Hồi chân ướt chân ráo vào TPHCM, tôi cứ thắc mắc không hiểu “bao ăn” là gì. Hỏi ra, người trả lời rằng có quyền ăn thử ngon thì trả tiền, người lại nói đảm bảo ăn không ngon có quyền trả lại. Có lần, mua trái bưởi của chị bán hàng quen về hư hết, đem câu chuyện nói lại, chị đổi cho trái mới không tính tiền. Xem ra đây đúng là bao ăn. Thấy, thành phố mình dễ thương thật. Và, chính những người bán hàng dạo với đủ chiêu thức ấy cũng góp một phần tạo nên bức tranh muôn màu của nơi này.