Tình trạng này cũng giống hệt hồi tháng 3 ở miền Bắc khi 1.000 tấn củ cải trắng thu hoạch xong ngã kín đồng, thậm chí phải đổ xuống sông, kênh rạch vì không tiêu thụ được; hay đợt thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang vào đầu mùa hè vừa qua...
Tuy nhiên sau đó, Bộ NN-PTNT, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương khẳng định thông tin vải thiều 4.000 đồng/kg, thanh long 1.000 - 2.000 đồng/kg… là không hoàn toàn chính xác. Bởi đó chỉ là những loại thanh long, vải thiều kém chất lượng, xấu mã, cấp 3, 4; còn thanh long, vải thiều vỏ đẹp, chất lượng cao thì vẫn có giá tới 20.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí 30.000 - 40.000 đồng/kg…
Ngày 9-10, trước thông tin thanh long ùn ứ do Trung Quốc ngừng thu mua, cán bộ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đi thị sát tại các cửa khẩu phía Bắc khẳng định mỗi ngày vẫn đang có khoảng 13.000 tấn thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, không có chuyện Trung Quốc ngừng thu mua như lời đồn.
Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng khổng lồ các loại trái cây tươi của Việt Nam. Hiện nay, không chỉ thanh long, vải thiều mà chuối, dưa hấu, xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt… cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại các cửa khẩu ở Tân Thanh (Lạng Sơn), Kim Thành (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh)… hoạt động xuất khẩu trái cây rất rầm rộ.
Thế nhưng trong nhiều năm qua, đã từng diễn ra liên tục các vụ trái cây tươi của Việt Nam đưa lên biên giới bị ùn ứ cả cây số, chờ đợi nhiều ngày vẫn không bán được, để thối, phải đổ, bỏ vì sản lượng nhiều, tư thương của Trung Quốc ép giá. Lý do vì lâu nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm ăn với thương nhân Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, mà không thông qua chính ngạch. Tức là không có hợp đồng giao dịch từ trước mà đưa trái cây lên cửa khẩu như đi chợ, gặp ai mua thì bán.
Trong khi hiện nay, Trung Quốc siết chặt hoạt động kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước và quản chặt hoạt động nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, thị trường Trung Quốc chứa đựng rủi ro.
Để tránh rủi ro, lâu nay đã có khuyến cáo phải đa dạng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc một thị trường là Trung Quốc, không riêng trái cây mà với các loại nông sản nói chung. Vài năm gần đây, rất mừng là nhiều loại trái cây của Việt Nam đã từng bước chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhưng gần đây, nhiều chuyên gia đề nghị, chúng ta phải chuyển sang đi bằng hai chân để có thị trường bền vững cho nông sản. Nếu chỉ nhắm vào thị trường xuất khẩu thì không ổn, cần khai thác mạnh thị trường nội địa vì đây cũng là khu vực tiềm năng mà lâu nay lại lãng quên. Ví dụ như về trái cây, một số thông tin nhận định, mỗi ngày người Việt đang chi tới 5,4 triệu USD ăn trái cây nhập khẩu. Không phải vì người Việt chuộng hàng ngoại mà do hàng ngon thì chúng ta đem xuất khẩu, trong khi người tiêu dùng nội địa cần trái cây đẹp, đảm bảo an toàn. Nhưng làm cách nào để chinh phục thị trường “sân nhà” có tới hơn 90 triệu dân này?
Tại hội thảo về tiềm năng của thị trường đối với các mặt hàng thủy, hải sản được Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 8-10 cho thấy, không chỉ hàng hoá làm ra cần đảm bảo sạch - ngon - đẹp - rẻ mà cái chính là phải tổ chức quảng bá để người tiêu dùng biết tới, có thể tiếp cận. Chẳng hạn như năm 2017, khi tổ chức triển lãm cá tra lần đầu tiên tại Hà Nội, người tiêu dùng hồ hởi đến mua vì lâu nay muốn tìm đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long mà không biết bán ở đâu?
Tương tự gần đây, khi các tỉnh có vựa trái cây đặc sản nổi tiếng như na Chi Lăng (Lạng Sơn), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên, cam Hà Giang… trực tiếp đưa xuống tận Hà Nội triển lãm thì bán rất chạy vì bà con có thể yên tâm, tin tưởng mua được đặc sản chính hiệu. Rõ ràng, tiềm năng tiêu thụ ở nội địa là rất lớn với thị trường hơn 90 triệu dân, chưa kể lượng khách du lịch vào Việt Nam gia tăng mỗi năm.
Đã đến lúc phải đi bằng hai chân: cùng với đẩy mạnh xuất khẩu là sản xuất nông sản - thực phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” của thị trường nội địa. Bởi nếu chỉ nhắm vào mỗi thị trường xuất khẩu, không dự phòng thị trường nội địa thì khi gặp những cú sốc xuất khẩu, chúng ta sẽ lại khủng hoảng thừa, lại phải hô hào giải cứu.