Muôn cách khuyến sinh

Chi phí nuôi con đắt đỏ khiến tỷ lệ sinh giảm đang trở thành bài toán khó cho các nước có nền kinh tế phát triển ở khu vực châu Á. Các quốc gia đã phải tung ra nhiều biện pháp khuyến sinh nhằm cứu vãn tình hình hiện tại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Thưởng nóng tiền mặt

Theo dữ liệu được công bố của Cổng Thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS), số ca sinh từ tháng 1 đến tháng 11-2023 của nước này chỉ đạt 213.572 trẻ, thấp nhất từ trước đến nay.

w8a-4471-3790.jpg
Một lớp học tại Nhật Bản

Hiện chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với GDP bình quân đầu người, mức cao nhất trên thế giới. Nhiều lý do khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm như giá nhà đất đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, thời gian làm việc dài, thiếu nơi trông trẻ. Chưa kể phụ nữ nếu có con nhưng vẫn đi làm thì phải chịu gánh nặng gấp đôi từ việc nhà. Nhóm phụ nữ làm kinh tế cũng có xu hướng trì hoãn việc sinh con lâu dài hơn.

Để ngăn đà suy giảm dân số, Chính phủ Hàn Quốc triển khai chế độ “quốc gia và bà mẹ”, theo đó chính phủ sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm liên quan đến giai đoạn mang thai và theo dõi sức khỏe cho trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Loại bảo hiểm này sẽ được phát triển như một sản phẩm đảm bảo các chi phí y tế như chẩn đoán, điều trị, nằm viện và phẫu thuật từ khi thai nhi trong bụng mẹ đến 12 tháng sau sinh và sẽ được cấp miễn phí cho tất cả phụ nữ mang thai.

Ở cấp độ địa phương, chính quyền các thành phố cũng triển khai nhiều dự án hỗ trợ chi phí trông trẻ lên tới 300.000 won (228 USD/tháng) cho mỗi trẻ. Còn huyện Geochang, tỉnh Gyeongsang Nam, phía Đông Hàn Quốc, quyết định hỗ trợ 110 triệu won cho mỗi đứa trẻ được sinh ra trong năm 2024 từ 0 đến đủ 18 tuổi; thành phố Incheon hỗ trợ 100 triệu won. Ngoài “thưởng nóng” tiền mặt, chính quyền các địa phương cũng xem xét kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với cả thai phụ và chồng, tăng chế độ hậu thai sản đối với phụ nữ để họ có thể yên tâm sinh con mà không sợ mất việc làm.

Thí điểm nhiều dự án

Sau Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đắt đỏ nhất thế giới so với GDP bình quân đầu người. Viện Nghiên cứu dân số YuWa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, công bố báo cáo cho biết chi phí nuôi một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi cao gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều so với 2,08 lần ở Australia, 2,24 lần ở Pháp, 4,11 lần ở Mỹ và 4,26 lần ở Nhật Bản.

Cũng vì thế, ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không sinh con do quá tốn kém. Báo cáo cho biết, khi chăm sóc một đứa trẻ từ 0 đến 4 tuổi, trung bình phụ nữ bị giảm 2.106 giờ làm việc. Họ phải chấp nhận mất khoản tiền lương ước tính 63.000 nhân dân tệ (8.757 USD) trong giai đoạn này, nếu tiền lương cho mỗi giờ làm việc là 30 nhân dân tệ (4,17 USD). Việc nuôi dạy con cái cũng làm giảm số giờ làm việc được trả lương và mức lương của phụ nữ, trong khi sinh kế của nam giới hầu như không thay đổi.

Hiện mức độ sẵn sàng sinh con trung bình của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), dân số Trung Quốc cuối năm 2023 là 1,409 tỷ người, giảm khoảng 2 triệu người so với mốc 1,41175 tỷ người cuối năm 2022. Tỷ lệ sinh cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mức 6,77 năm 2022.

Trước tình trạng đó, thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các phúc lợi bảo hiểm, nhà ở và giáo dục cho những người mới làm cha mẹ; tăng số lượng trường mẫu giáo dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. Hàng chục dự án thí điểm được triển khai trên khắp đất nước, nhằm cố gắng mở ra một "kỷ nguyên mới” về hôn nhân và sinh con. Thành phố Trùng Khánh hay các tỉnh Quý Châu, Thiểm Tây, Hồ Bắc và Giang Tô cho phép các bà mẹ nhận trợ cấp thai sản mà không cần nộp giấy chứng nhận kết hôn.

Trong bối cảnh Singapore đang nỗ lực ứng phó tình trạng tỷ lệ sinh giảm, nước này gần đây đã nới lỏng các quy tắc đông lạnh trứng và tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản, sau khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 1,05 em bé/phụ nữ. Thống kê của Cơ quan Nhân tài và Dân số quốc gia Singapore năm 2023 chỉ ra, số người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm tới 19,1% dân số, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 11,7% hồi năm 2013.

Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch miễn phí giáo dục đại học cho các gia đình có từ 3 con trở lên. Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật tăng trợ cấp hàng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi.

Tin cùng chuyên mục