Sáng 28-4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV); đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn.
Buổi làm việc nhằm phục vụ công tác xây dựng Đề án Xây dựng quy định về tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cần tăng tính linh hoạt
Báo cáo trước đoàn làm việc, lãnh đạo ACV nêu một số hạn chế trong công tác cán bộ lãnh đạo quản lý, như trình độ quản lý nói chung và năng lực quản trị hàng không giữa các cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đồng đều. Một số cán bộ lãnh đạo quản lý chưa thể nắm bắt và khai thác được hết các thiết bị, cần có sự hỗ trợ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ trẻ kế cận và cán bộ nguồn có đủ trình độ, nhưng kinh nghiệm chưa thể đảm đương các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty.
Hiện ACV do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là đại diện chủ sở hữu từ tháng 10-2018. ACV mới chỉ thực hiện được việc tuyển dụng với chức danh quản lý từ cấp trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương trở xuống theo quy định của Tổng công ty. Một phần do chưa có hướng dẫn cụ thể của Đảng và Nhà nước, nên việc tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh quản lý điều hành thông qua thi tuyển; chủ trương thuê Tổng giám đốc và các thành viên Ban điều hành chưa thực hiện được.
Làm rõ thêm, đồng chí Lại Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, vốn nhà nước tại ACV là 95,4%. Chưa năm nào ACV bị lỗ, kể cả năm 2020-2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Công tác cán bộ tại Tổng công ty do Đảng ủy lãnh đạo trực tiếp, toàn diện. Tuy nhiên, do quy định pháp luật, chính sách của đảng đều quy định chi tiết về công tác cán bộ, nên có trùng lắp, có khoảng trống.
Bí thư Đảng ủy ACV cũng cho rằng, muốn DNNN có thể cạnh tranh được với bên ngoài, thì công tác cán bộ cũng phải linh hoạt hơn. Nhất là cán bộ có cá tính khi đưa ra bỏ phiếu thì có khi “trượt đầu nước”, bởi không phải ai cũng có điều kiện để đánh giá sâu sát về cán bộ đó.
“Quy định cần đảm bảo tính dân chủ công khai minh bạch trong lựa chọn cán bộ. Hiện nay quy định chặt chẽ, nhưng như thế thì rất khó có đột phá. Muốn an toàn thì rón rén, không có đột phá về công tác cán bộ”, đồng chí Lại Xuân Thanh nhận định.
Về công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý, mà chủ yếu thông qua đánh giá doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy ACV nhận định, cách đánh giá hiện nay giống như buộc DNNN chỉ được thành công, không được thất bại. 10 vụ mà thắng 9 vụ lớn, thua 1 vụ nhỏ cũng là yếu kém, có khi bị kỷ luật. “Điều này tạo nên tâm lý an toàn là chính, không dám nghĩ dám làm, không linh hoạt, cạnh tranh kém so với khối tư nhân”.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho doanh nghiệp nhà nước
Đồng chí Đậu Văn Côi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, so với các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước, ACV là nơi hội tụ nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Theo đồng chí, trong công tác cán bộ nếu siết chặt quy định thì các đơn vị cũng phải chấp hành, nhưng như vậy không thể phát triển được. Nhưng nếu buông lỏng sự lãnh đạo của đảng thì sẽ dẫn đến những hệ quả.
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ KH-ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đặt thêm các câu hỏi, trao đổi thảo luận với ACV về các nội dung liên quan.
Việc đa dạng hóa phương thức, nguồn tuyển chọn được thực hiện bằng cách đẩy mạnh bổ nhiệm tuyển dụng thông qua thi tuyển cạnh tranh, công khai minh bạch; xây dựng quy chế thu hút nhân tài trong điều kiện phân cấp phân quyền.
“Đội ngũ lãnh đạo quản lý quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh đó lại không được chọn người để thực hiện nhiệm vụ thì sẽ rất bất cập”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cho biết sẽ tiếp thu nội dung này trong quá trình xây dựng đề án.
ACV chuyển sang loại hình công ty cổ phần từ 1-4-2016, hiện quản lý, đầu tư khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 21 cảng đang khai thác, góp vốn vào 12 công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Sản lượng vận chuyển, kết quả hoạt động kinh doanh của ACV từ 2017-2019 (trước khi có tác động bởi dịch Covid-19) luôn đạt lợi nhuận cao và tăng trưởng đều qua các năm. Từ 2017-2021, ACV nộp ngân sách 17.376 tỷ đồng. |