Muối mặn, hình dong

Tôi khép lại ca trực cuối cùng của năm, rời công sở, mơ màng về những ngày sắp tới. Suốt nửa tháng qua, tôi vẫn chưa xây được kế hoạch “ăn” tết ra sao, về quê, ở lại thành phố hay rong ruổi một miền đất nào. Má tôi mất hồi đầu năm, ngôi nhà ở quê, nơi bà từng sống với gia đình anh Hai, vừa sửa sang, không còn nhiều dấu tích của ngôi nhà ba gian cũ.

Muối mặn, hình dong

Chỉ một điều duy nhất tôi phải làm từ giờ cho đến tết, theo lời dặn của má, là gạo đầy thùng, muối đầy hũ và một chậu mai xinh xẻo chưng gần cửa sổ. Có lẽ một tục lệ nào đó, má tin rằng, gạo càng nhiều năm mới càng sung túc. Muối để nhắc con người đừng quên đặt nghĩa tình lên trên. Còn chậu mai là “để cho căn nhà ăn tết với chứ con!” - như má dặn. Năm nào bà cũng nói và tôi luôn trề môi bướng bỉnh: “Má sống ở đâu thì nhà con ở đó!”.

Căn hộ một phòng ngủ, nhỏ xíu, cũ mèm, đã qua mấy đời chủ mua được ở thành phố, chỉ là nơi tôi tá túc… ổn định. Má vẫn sống ở quê. Hàng năm, xong ca trực cuối, tôi liền đùm túm quà cáp, lật đật ra bến xe cho kịp chuyến về quê. Năm này má không còn, ngôi nhà quê cũng đã khác đi nhiều, đẩy tôi vào trạng thái mơ hồ, một chút vô định.

Thành phố vừa lên đèn. Chuyện phải làm chắc không cần vội vàng, 30 tết còn kịp. Giờ chờ tôi có lẽ là bữa cơm do dì Năm đứng bếp. Hơn nửa năm nay, tôi đã quen với hình ảnh dì lặng lẽ đi lại trong căn hộ của mình. Dì ít nói, chỉ nói khi ai hỏi, thích phim dài tập và thường giúp tôi chuẩn bị bữa cơm chiều. Khi ti vi phát thời sự lúc 19 giờ, dì sẽ về nhà mình, căn hộ có lô-gia đối diện lô-gia của nhà tôi. Đó là buổi chiều tôi chủ động thiết lập cuộc trò chuyện nghiêm túc, sau khi bắt gặp rất nhiều chiều dì quanh quẩn ở sân chung cư, buồn thiu trên ghế đá hoặc nép mình lẻ loi nơi góc ấm nào đó.

“Tụi nó, chuyện chồng vợ mà con, dì nên tránh một chút”, bà lúng túng. Tôi nhanh chóng “photo” chìa khóa căn hộ trao cho dì, dặn có thể sang nhà tôi bất cứ khi nào, nhất là thời điểm dì ngại ngùng vợ chồng cậu con trai làm những chuyện… vợ chồng.

***

Chừng 5 năm trước, khi biết Thiên thuê căn hộ có lô-gia đối diện, tôi nhiều lần tránh mặt. Anh to lớn, vẻ ngoài lầm lì, lạnh lùng, đầu cạo trọc và cánh tay vằn vện xăm trổ. Trong khi sống một mình, tôi cố gắng tránh những chạm gặp không khiến mình có cảm giác an toàn. Chỉ đến cách đây không lâu, loại virus lạ càn qua thành phố, người tử vong tăng hàng ngày, tôi ái ngại mở lòng với anh. Bữa đó, tôi ngồi rũ rượi ở lô-gia nhà mình, nhìn đối diện đợi chờ một bóng người. Thiên ló mặt. Tôi xin sự kết nối, nhờ anh hãy nhắn tin cho tôi mỗi tiếng đồng hồ một lần. Dịch bệnh đến đẩy nhân loại vào bài toán sinh tồn.

Lũ virus nhập vào cơ thể, xâm lấn, bào mòn sinh lực và ngay lúc tôi muốn bỏ cuộc, thiếp đi thì Thiên - với bốn lớp khẩu trang, áo mưa kín mít - đạp cửa xông vào, sau gần hai tiếng không thấy tôi hồi âm tin nhắn. Mấy ngày sau đó, anh qua lại, mang cho tôi những tô cháo nóng hổi, món cháo trắng đạm bạc giữa lúc loài người bị đẩy về tầng thấp nhất của tháp nhu cầu Maslow. Anh thường cho nhiều muối vô cháo, bảo để dễ nuốt.

Thành phố kiểm soát dịch bệnh thành công, chừng mấy tháng sau, Thiên đón Di từ quê lên chung sống, thêm vài tuần thì đón tiếp dì Năm.

Là tôi đoán vậy, vì Thiên kêu Di là vợ, cả hai gọi dì Năm là mẹ. Như bản thể đối lập của chồng, Di nhỏ thó, mau miệng. Mỗi tối đến thời sự, chồng đi làm, cô sang nhà tôi đón dì Năm hay nán lại đôi phút, trầm trồ cuộc sống của tôi theo cô là “khỏe nhất”, sau khi kể một tràng cặp này, đôi kia mới gây nhau. Tôi thường phì cười, không lạ chuyện sức khỏe của hôn nhân khi đổ ốm dường như tự phát ra tiếng chuông, còn hạnh phúc thì im ắng.

Tôi thực ra cũng có mấy mối tình, sâu nặng với một người. Nhưng tất cả đều lần lượt rời bỏ khi tôi thoái thác kết hôn, trong khi họ hối thúc. Tôi lo lắng hôn nhân kéo mình rời những mối bận lòng với má. Bà đã dành cả cuộc đời nuôi đàn em khôn lớn, tiếp tục với bầy con. Tôi chỉ muốn những căn bệnh của tuổi già, đến rất sớm với má, được chính tôi kiểm soát, kịp lúc đưa các chỉ số sinh học của bà về lại vùng an toàn, cả khi tôi sống cách mấy trăm cây số. Đó chỉ là sự lựa chọn cá nhân.

***

Không có bữa cơm nào đợi tôi. Dì Năm thu mình trên ghế đá ở góc sân chung cư. Thấy tôi, gương mặt bà giãn ra, môi mấp máy: “Con ăn tết ở đâu? Dì muốn ở lại thành phố nhưng Thiên không an tâm”. Câu nói đầy chủ động trải lòng và dài nhất kể từ khi tôi quen biết dì Năm. Chờ tôi qua thoáng ngạc nhiên, bà run giọng: “Mà dì thì đâu phải mẹ nó!”. Tôi giật thót. Di từ đâu xuất hiện, mắt đỏ hoe sà vào ôm lấy dì: “Mẹ có giận con không?”. Dì Năm quýnh quáng, lúng túng: “Không. Mẹ… Tụi con đừng lo cho mẹ”.

Chiều nay Di hẳn đã dại dột chạm vào, có lẽ là giới hạn, hoặc “vùng cấm” của Thiên. Họ đã có cuộc cãi nhau thường tình của nhiều cặp vợ chồng. Đại loại Di muốn về quê cô đón tết, chỉ hai vợ chồng, đi nhanh vài hôm để mùng hai cô trở lại công việc. Cô lo cho sức khỏe dì Năm trong chuyến đi ngắn ngày, giữa thời điểm giáp năm người và xe đông kín.

Thiên bất an bỏ mẹ ở lại thành phố một mình. Thành phố phương Nam dung nạp bao thế hệ, bày ra bao sinh kế, xe duyên triệu lứa đôi, người người sẻ chia không gian sống và những nhà lãnh đạo thì cố gắng nâng mức sống, mang sự tiện nghi nhất đến cho từng tổ ấm. Thành phố cũng chứa cả những cuộc cãi vã thường tình thế này, khi về - ở, quê anh - tôi - chúng ta trở thành một háo hức khơi lên từ nỗi nhớ, từ vùng dấu yêu nặng mang trong tận đáy lòng.

Nhưng, đó là lần đầu tiên mà Thiên, theo Di là… chịu cãi, và có vẻ tức giận đủ khiến cô hãi hùng, tự thề lần đầu cũng là cuối cùng cô chạm khuấy những tổn thương, hoặc thổn thức của chồng. “Thôi đừng gây nhau, mẹ có là gì đâu”, lúc đó, dì Năm thiết tha. Thiên nhìn vợ bất cần: “Mẹ ở đâu, anh ở đó”. Cuối cùng Di chấp nhận xuống nước, để chồng tự quyết định, để họ vẫn một khối nương tựa, trọn vẹn, bình an sống và mong chờ sự lãng phai của nỗi dứt day nào đó nơi Thiên.

Thiên là người con trai hiếu thảo. Tôi đã có những buổi sáng cuối tuần ngồi nép mình bên chậu cây ở lô-gia nhìn trộm sang bên ấy, thẫn thờ nhớ đến má khi cảm giác bao yêu thương trên đời dường như về hết trong sự tỉ mẩn lúc anh cúi thấp người cắt móng chân cho mẹ và dặm vá chiếc mũ có vành tròn mà bà được tặng từ một người không còn nhớ. Có lẽ, cũng chẳng cần nhớ họ, vì giờ đây, tôi hiểu rằng đó đơn giản là một sẻ chia trong trăm ngàn giao ước trao - nhận, thứ giao ước thoáng chốc mà có khi người trao khởi đi từ vô tình, còn người nhận lại trân quý và ôm riết bởi sự cho đó đã giúp neo họ lại, như một căn chỉnh, tiếp sức để đi tiếp cuộc đời.

Thiên đã đưa dì Năm về từ một góc chợ.

Sáng đó có mưa phùn. Bà cụ gần 70 tuổi cả đời quẩn quanh nơi làng quê của đầu này Tổ quốc, lẳng lặng gói hai bộ đồ vào bịch ni lông, tay cầm chiếc nón lá lặng lẽ rời nhà. Thiên về, một vòng từ bếp ra vườn không thấy mẹ. Anh đau đớn, trút giận đập tan tành mấy lu nước đặt bên chái bếp. Đêm trên chiếc giường của mẹ, anh ôm ngực thin thít khóc. Sáng ra Thiên chạy một mạch lên ủy ban xã xin ly hôn. Ủy ban chỉ vụ này phải ra tòa mới đúng. Thì ra tòa. Anh không thứ tha người vợ nhân lúc mình vắng nhà, cắn đắng dằn hắt người sinh thành.

Thiên bán cả gia tài đi tìm mẹ, gồm mảnh vườn với bầy heo, vịt, chỉ chừa ngôi nhà nhỏ phòng mẹ nhớ ngõ nếu quay về. Qua vài tỉnh, Thiên dừng lại ở thành phố phương Nam lúc ngẫm nhớ có lần đưa mẹ lên khám bệnh, bà dừng mắt rất lâu đoàn từ thiện trao cơm cho bệnh nhân.

Rồi chừng như tất cả ngõ ngách của mảnh đất rộng lớn, xa hoa bậc nhất song cũng đầy cơ cực, anh đều đã đi qua. Những dạ cầu, mấy ngôi chùa cưu mang người cơ nhỡ, cổng bệnh viện hay hiên nhà người trong đêm khuya đèn đơn côi vàng võ, bước chân anh mải miết. Và Thiên gặp dì Năm. Người đàn ông quê mùa, sau mấy năm mang dung dạng khiến tôi không thoải mái trong ấn tượng ban đầu đã đưa người anh gọi là mẹ Năm về sống, như cách anh đưa Di từ không gian quánh đặc của khói thuốc và tiếng nhạc ầm ĩ nơi cô làm việc nhưng không giây nào thấy yêu thích.

***

Đường thành phố vắng vẻ cuối năm, nhưng chợ và bến xe đông đúc. Tôi tiễn ba người họ lên xe về quê Di đón tết rồi lẫn trong dòng người cố tìm một chậu mai ưng ý. Lúc lỉnh kỉnh mai, muối và gạo đặt gọn ghẽ trên xe, tôi khựng lại trước cụ già đang lúi húi nhặt mấy chai nhựa ai đó đã bỏ lại bên đường. Ở mảnh đất này, hình ảnh đó đâu còn xa lạ, có khi, họ là một lực lượng kinh tế nào đó trong vòng tròn công nghiệp tái chế. Mỏi mệt, họ nằm nhoài tận hưởng chút thảnh thơi, tiếp nạp sinh lực bằng đất trời rộng lớn và người xe qua lại, cũng là hình ảnh thường tình.

Chỉ bởi tôi đã đeo mang thứ trách nhiệm vô hình, cũng có thể là tiện lòng nên chú tâm những người có vóc dáng từa tựa dì Năm. Và mơ hồ rằng, mẹ Thiên cũng dáng hình như thế. Biết đâu lòng tôi, như Thiên, chứa đựng một hy vọng mà vì quá mong manh nên không dám hiển lộ, dẫu là chỉ dấu rất nghèo nàn. Chúng tôi âm thầm ôm lấy, không để mất mà cũng sợ nuôi lớn. Chỉ vậy.

Vì Thiên chưa bao giờ kể nhân dáng mẹ anh. Những mơ hồ đoán định của tôi, e rằng vẫn là kiểu “bắt hình dong” của những ngày tôi chưa biết về anh. Những giới hạn sẽ dẫn đến… giới hạn, và bỏ qua. Thiên không muốn vậy, khi mà những dì Năm, mẹ anh đâu đó, hay cụ già nhặt ve chai bên đường, bất kỳ ai, có thể luôn mong chờ một giao ước thoáng qua. Mọi lưu lạc đều là chẳng đặng đừng, như-muối-thì-mặn.

Tin cùng chuyên mục