Năm nay, dù quất tết Hội An được giá nhưng các chủ vườn vẫn thấp thỏm âu lo do những diễn biến thất thường của thời tiết.
Quất Hội An được thương lái mua với giá cao
Được giá
Những ngày này về xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (Hội An) dễ dàng bắt gặp một không khí khẩn trương, hối hả của các chủ vườn. Với đôi tay thoăn thoắt buộc lại những nhành cây sai quả, ông Nguyễn Công Tuấn (thôn Bàu Ốc Hạ, xã Cẩm Hà) cho biết, năm nay ông trồng 1.000 chậu quất, cơn lũ lụt cuối năm 2017 khiến vườn ông thiệt hại hơn 100 chậu, số còn lại đang sai quả tươi tốt, đặc biệt thương lái cũng đã đến đặt tiền cọc mua 600 chậu.
“So với năm trước, năm nay giá tốt hơn, bà con ai cũng phấn khởi”, ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, vườn quất 500 chậu của ông Nguyễn Trung (thôn Bàu Ốc Thượng, Cẩm Hà) hiện cũng đã được thương lái đặt cọc mua gần hết với giá sỉ 500.000 - 1,5 triệu đồng/chậu tùy loại. Đây cũng là niềm vui của ông Phan Xuân Toàn (thôn Bàu Ốc Hạ), người có kinh nghiệm 10 năm trồng quất. Năm nay nhà ông trồng 600 chậu, hiện thương lái đã đặt mua hơn 500 chậu, với giá bình quân 900.000 đồng/chậu (loại trung và lớn), loại cao hơn giá có thể lên 7 triệu đồng/chậu, ước tính tết nay gia đình ông thu về khoảng 320 triệu đồng.
“Năm nay do tập trung chăm sóc kỹ nên quất phát triển tốt, giá bán cũng được, chỉ mong từ nay đến tết thời tiết thuận lợi để xuất đi đúng ngày là thành công”, ông Toàn kỳ vọng.
Xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà được xem là 2 “vựa” quất lớn nhất của Quảng Nam, mỗi dịp tết cung cấp ra thị trường khoảng 70.000 chậu. Riêng tại Cẩm Hà, hiện toàn xã có 6/7 thôn trồng quất với khoảng 400/1.800 hộ dân tham gia, diện tích gần 65ha (trong tổng số hơn 222ha đất nông nghiệp của xã).
Nhiều nhất là thôn Bàu Ốc Hạ với gần 20.000 chậu quất. Mọi năm trước, từ tháng 10 âm lịch, các thương lái đã đến vườn đặt cọc mua, tuy năm nay thương lái đến chậm hơn nhưng niềm vui được giá khiến không khí các vườn quất những ngày này thêm rộn rã; kẻ bán, người mua đã bắt đầu nhộn nhịp.
Còn đó những nỗi lo
Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết, hiện tại thương lái đã đặt mua khoảng 80% và đặt cọc trước 10% tiền, số quất còn lại của xã sẽ được mang bán lẻ tại Đà Nẵng, Tam Kỳ và Hội An dịp tết.... “Năm trước nguồn thu từ quất ước khoảng 32,5 tỷ đồng. Dự kiến, tổng nguồn thu từ quất tết năm nay đạt gần 33 tỷ đồng. Cây quất đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân của xã. Không ít hộ đã chuyển từ trồng hoa sang quất cảnh vì hiệu quả kinh tế tốt”, ông Phương khẳng định.
Theo thống kê, thời điểm hiện tại khoảng 80% chủ vườn đã có thương lái đến đặt cọc mua quất, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy vậy, không phải ai cũng vui mừng.
Ông Trương Hảo (khối Bàu Súng, phường Thanh Hà) tỏ ra lo lắng khi đã qua tháng 11 âm lịch nhưng vẫn chưa có nhiều thương lái đến vườn đặt hàng. Năm nay nhà ông trồng 400 chậu (chủ yếu là quất thế). Những ngày qua ông phải thuê nhân công vận chuyển quất từ vườn ra trưng bày sát vệ đường để khách dễ nhìn thấy, nhất là các cơ quan, khách sạn biết để thuê chưng tết.
“Quất thế nên giá bán sỉ bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/chậu, riêng giá thuê cho những chậu đẹp là 4 triệu đồng trong thời gian 20 ngày tết, tuy nhiên hiện nay khách vẫn chưa nhiều”, ông Hảo cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thành (thôn Bàu Ốc Hạ, Cẩm Hà), năm nay trồng 300 chậu quất, nhưng thời điểm hiện tại vườn ông mới bán được 50%.
“Vườn tôi nằm khuất xa đường chính, thương lái ít biết nên bán chậm hơn những nơi khác, hy vọng từ đây đến đầu tháng 12 âm lịch thương lái sẽ tìm đến nhiều hơn, đặc biệt mong thời tiết sẽ tốt hơn”, ông Thành nói.
Theo lời nhiều nhà vườn, chưa năm nào thời tiết thất thường như năm 2017, quất tuy dễ chăm sóc nhưng cần nhiều công và chịu khó, nhất là phải biết canh thời điểm.
Thông thường, thời gian để một cây quất ra hoa kết trái kéo dài khoảng 1 năm, số tiền đầu tư ước khoảng 350.000 đồng/chậu. Những ngày này, bên cạnh tìm mối bán hàng, các chủ vườn cũng tất bật bứng quất từ đất vào chậu để chăm sóc, chuẩn bị cho tết năm sau.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An, vài năm gần đây nghề trồng quất Hội An đang đối diện nhiều vấn đề nan giải như giống thoái hóa, nguồn đất vào chậu khó khăn (vì mỗi năm địa phương xuất đi trên 60.000 chậu nên lượng đất vào chậu rất lớn). Chưa kể, thời tiết diễn biến phức tạp khiến dịch bệnh phát sinh. Tuy hầu hết người dân đều có kinh nghiệm nên vấn đề chăm sóc, xử lý phân thuốc cho lá, cây tốt, nhưng thời tiết như vừa qua cũng không thể chủ quan.
“Phòng đã hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân nhằm giúp hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra. Cụ thể, tập trung tổ chức tập huấn kỹ thuật, thông báo các biện pháp phòng ngừa chống dịch bệnh như giữ gốc, bón phân tăng sức đề kháng cho cây. Riêng các diện tích bị thiệt hại do thời tiết, phòng sẽ tổng hợp báo cáo thống kê từ các địa phương gửi lên, căn cứ vào đó, thành phố sẽ hỗ trợ tiền giống. Hiện thành phố đã dự phòng kinh phí 500 triệu đồng cho việc hỗ trợ này”, bà Vân thông tin.