Mùi bánh ong và những cái tết nghèo đi qua

Tết của những năm nghèo khó, khi những bông bơm bớp hết nở, bông trắng ngà rụng dọc bờ sông, lũ trẻ con ríu ran từ trường về nhà, reo vui vì một tuần được nghỉ học. Chao ơi là thích!

Mẹ chuẩn bị đi chợ, mua lá dong, lạt buộc, những thứ đồ cúng đơm cho ba ngày tết. Hồi đó, người ta cứ phải chuẩn bị tết trước cả chục ngày, giống như sợ nó vù đến một cái và không kịp trở tay.

Tôi nhớ năm nào mẹ cũng làm bánh ong. Cái bánh vuông vuông, bé xinh nhưng công đoạn làm thì cực vô cùng. Ban đầu là việc lựa chọn những hạt lúa bằng nếp người ta rang lên, bán ngoài chợ. Mua về và dùng cái sàng để trẩy hết mớ trấu còn sót phía trong. Mẹ rang thêm mẻ đậu phộng thơm lừng. Một ít gừng tươi băm nhuyễn, mật mía. Xong đâu đấy thì trộn đều các hỗn hợp lại với nhau và cho vào khuôn đóng thành từng hình chữ nhật.

Công đoạn đóng khuôn mới là vất vả nhất. Khi cho cốm nếp vào khuôn, mấy anh chị em tôi ngồi quây một vòng, thay nhau dùng chày để giã xuống cho bánh chắc, săn và có độ dai. Nhà là tộc trưởng nên năm nào mẹ cũng phải bày đủ tám mâm cỗ, cúng đơm mấy nơi. Hồi đó, cứ một mâm cỗ, mỗi món được làm ra hai đĩa. Bày biện lên đẹp đẽ tinh tươm. Tôi thích nhất cảm giác ngồi hít hà mùi thơm ngậy của bột bánh ong, mùi hòa quyện giữa mật mía, mùi gừng tươi và mùi thơm của những hạt cốm.

Chao ơi là thèm! Cứ ngồi giã bao nhiêu thì mùi thơm càng nức nở. Tiếng chày đều đều vang vang. Năm nào nhà tôi cũng đóng đến chục khuôn bánh ong. Vừa là để bày đĩa cũng đơm, vừa dành phần ra Giêng lúc đi làm về còn có cái để ăn. Bánh ong làm khéo léo, sẽ không bị mùi men hay mốc, chỉ cần có ít bột gạo rang phết lên, có thể để được gần cả tháng.

Tuổi thơ gắn bó với mùi bánh ong, với những ngày cận tết anh em đua nhau giã chày. Giã mỏi hết cả tay mới được một khuôn bánh. Bởi vậy, bánh ong nhà tôi luôn được khen ngon, mềm, dẻo, dai dai, các cụ ăn vào đều tấm tắc.

Bây giờ hiện đại, ở quê thức ăn đều sẵn. Chỉ cần mua về, dọn ra và bày đĩa rồi đơm cúng. Có vài món nấu lên cho chín, nhưng bánh chưng, bánh tét, và bánh ong thì hầu như năm nào mẹ tôi cũng tự làm. Bàn tay mẹ đã hơi yếu, những tiếng giã xuống cũng chầm chậm hơn. Nhưng để đáp ứng những mong nhớ về một thức ăn một thời khó khăn không thể nào quên được nên dù vất vả thế nào, mẹ cũng cố làm được chục khuôn bánh ong, xếp sẵn chờ chúng tôi về bày mâm cúng và mang đi làm quà.

Khuôn bánh ong bọc kín trong tờ giấy báo cũ. Mùi thơm cứ thế phảng phất. Mỗi lần đi xe đò hay lên máy bay, tàu hỏa, anh chị em chúng tôi đều để sẵn một khuôn trong bọc quần áo. Không hiểu sao mọi người thích mùi hương của xả vải, mùi thơm của nước hoa, thì tôi lại thích mùi của chiếc bánh ong phà vào những chiếc áo, chiếc quần. Để khi ai đó gặp gỡ, lại vui miệng mà rằng "ôi cái mùi gì dễ chịu thế, ngửi là muốn ăn liền hà".

Tôi mang hương vị ấy từ quê nhà vào chỗ làm, vào những nơi mà mọi người chưa biết bánh ong là gì. Nhưng mùi vị thân thương ấy, theo tôi suốt cuộc hành trình, nhắc nhở tôi về những giá trị truyền thống của tết cổ truyền Việt Nam. Tôi thêm yêu và trân quý những tháng ngày khốn khó. Mỗi dịp tết, dư vị ấy cứ đọng lại nơi đầu môi, khóe mắt...

THỤY

Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục