Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong tháng 8-2022, giá xây mới các tòa nhà dân cư ở Đức đã tăng trung bình 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, hồi tháng 5-2022, giá xây dựng cũng tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tháng 5-2022, giá xây dựng trong tháng 8 đã tăng 2,6%.
Theo Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp xây dựng Đức Tim Oliver Müller, vật liệu đầu vào của ngành xây dựng tăng mạnh khiến giá thành sản phẩm tăng trong nhiều tháng. Điều này gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải rút khỏi các dự án nhà ở vì các dự án không còn có lãi. Chi phí tăng mạnh cũng đè nặng lên ước mơ sở hữu nhà của người dân, những người vốn đã phải chịu gánh nặng của giá năng lượng ở mức cao trong một thời gian dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chi phí xây dựng tăng vọt, trong đó đặc biệt là nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá thành cao. Trong tháng 8, mức giá tăng mạnh nhất là những nguyên vật liệu liên quan đến phần mái nhà và đồ gỗ (tăng 19,6%), tiếp đến là bê tông (18,2%).
Ông Müller cho biết, theo cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo vào tháng 9, có 17% các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho biết, họ phải hủy các dự án xây dựng. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2012. Ông Müller cho rằng, bằng mọi cách phải ngăn chặn sự bế tắc của các dự án xây mới nhà ở, vì đây không chỉ là lý do kinh tế mà còn là nhu cầu cấp thiết về không gian sống của người dân. Ông cũng kêu gọi chính phủ hỗ trợ cho các dự án xây mới cũng như cải tạo nhà ở, như các chính sách ưu đãi thuế. Việc giảm chi phí xây dựng thông qua sử dụng các phương pháp sản xuất công nghiệp và chuẩn hóa quy định pháp lý cũng là điều cần thiết.
Theo kế hoạch, Chính phủ Liên bang Đức đặt mục tiêu xây dựng 400.000 căn hộ mới mỗi năm. Bất chấp những khó khăn hiện tại, Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Phát triển đô thị và Xây dựng Đức Klara Geywitz mới đây đã khẳng định lại mục tiêu này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản dự báo số lượng nhà ở được xây dựng mới sẽ giảm trong năm nay. Thông tin này được công bố đã khiến một bộ phận người Đức cảm thấy lo lắng về việc không thể sở hữu một không gian sống có mức giá phù hợp với túi tiền khi tỷ lệ giá lạm phát đang tăng vọt. Kết quả cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức cho thấy, giá tiêu dùng ở Đức sẽ tiếp tục tăng trên diện rộng trong nhiều tháng tới.
Lạm phát cao đang “ăn mòn” sức mua của người tiêu dùng và số tiền tiết kiệm trong suốt thời kỳ đại dịch có thể sẽ không giúp chi tiêu tiêu dùng gia tăng ở mức độ như kỳ vọng. Trong khi đó, 100% các nhà bán lẻ thực phẩm và hơn 92% các hiệu thuốc đang lên kế hoạch tăng giá. Đối với các nhà bán lẻ hoa và thực vật, con số này là gần 90%. Một yếu tố khác khiến giá cả tăng có thể là do mức lương tối thiểu tăng kể từ tháng 10-2022. Theo kết quả khảo sát, 58,3% trong số các công ty đang lên kế hoạch tăng giá sản phẩm vì tăng lương tối thiểu.