Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành điện xuống 250 triệu tấn, đồng thời tăng tỷ lệ sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo lên 44% theo tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Mục tiêu vừa công bố ngày 1-11 vừa qua nằm trong Kế hoạch chính sách và đầu tư toàn diện (CIPP) của Indonesia, được xây dựng nhằm tạo cơ sở để nước này có thể nhận được quỹ hỗ trợ trị giá 20 tỷ USD từ JETP.
JETP - một chương trình tài trợ do Anh khởi xướng - bao gồm các ngân hàng đa phương và các tổ chức cho vay tư nhân thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - đầu tư cổ phần, trợ cấp và cho vay ưu đãi, nhằm mục đích giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn trong ngành điện. Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng.
Nền kinh tế xanh được Indonesia hướng tới nhằm khuyến khích tạo việc làm và đầu tư xanh, phải được thực hiện với sức mạnh tổng hợp của các bên khác nhau để huy động đầu tư, cả với giới kinh doanh và chính quyền địa phương. Đầu tư xanh vào nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra 4,4 triệu việc làm mới ở nước này vào năm 2030, trong đó khoảng 75%, tương đương 3,3 triệu việc làm cho lao động nữ.
Ngoài việc tạo ra việc làm, đầu tư xanh trong một nền kinh tế tuần hoàn cũng có thể làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia lên 638.000 tỷ rupiah vào năm 2030.
Hôm 1-11, trong kế hoạch xây dựng thủ đô mới Nusantara trở thành thủ đô đầu tiên trên thế giới với mô hình thành phố trong rừng, được bao quanh bởi rừng nhiệt đới tươi tốt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo kế hoạch xây dựng bệnh viện xanh, thân thiện với môi trường.
Khoảng hơn 20% tổng diện tích đất của bệnh viện được bao phủ bằng cây xanh và các cây thuốc phục vụ chữa bệnh. Khi đi vào hoạt động dự kiến từ quý 2-2024, đây sẽ là bệnh viện thứ hai được xây dựng ở thủ đô mới, dựa trên tiêu chí thân thiện với môi trường, hỗ trợ tăng tốc và phát triển Nusantara.
Được hình dung là một thành phố toàn cầu xanh và thông minh, siêu dự án thủ đô Nusantara là trọng tâm trong tầm nhìn của Tổng thống Widodo nhằm đưa Indonesia vào hàng ngũ các quốc gia phát triển và thực hiện cam kết không phát thải carbon vào năm 2060.
Ngày 31-10, Tổng Thư ký Bộ Lâm nghiệp Indonesia Bambang Hendroyono cho biết, khoảng 200.000ha cọ dầu được phát hiện tại các khu vực đất rừng sẽ được trả lại cho nhà nước để tái chuyển đổi thành rừng và con số này có thể sẽ tăng lên.
Nếu không thực hiện nền kinh tế xanh, thu nhập bình quân đầu người của Indonesia sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn là 12.000 USD hoặc 13.000 USD, điều khó có thể giúp Indonesia khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Do vậy, chính phủ Indonesia đặt tham vọng theo đuổi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% mỗi năm, một trong số đó là thông qua nền kinh tế xanh và carbon thấp.