Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đối mặt với yêu cầu làm sao điều hành hài hòa, cân bằng các mục tiêu về lãi suất, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thông tin thêm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói.
Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Về tỷ giá, NHNN tiếp tục được điều hành linh hoạt, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Về điều hành tín dụng, tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Kết thúc quý 2, tín dụng tăng 6% so với cuối năm 2023, đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ. Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn nên đến cuối tháng 5, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức 4,94%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 6%, do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm là một thách thức.
Bên cạnh đó, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, trong khi đó việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, một số doanh nghiệp không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ. Cùng với đó, tình trạng tấn công mạng, lộ lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn…
Do đó, để vượt qua những thách thức trên, theo đại diện VNBA, NHNN cần kiến nghị Chính phủ xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán (L/C) từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD. Đồng thời, NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là các công ty có vốn nước ngoài.