Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, còn phấn đấu chặng đường dài

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, còn phấn đấu chặng đường dài

10 năm trước, vào tháng 9-2000, các nhà lãnh đạo trên thế giới họp tại trụ sở LHQ ở New York nhân Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ. Với phương châm “cùng tiến lên phía trước”, các nhà lãnh đạo thống nhất thông qua 8 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), ghi nhận sự đồng lòng chưa từng có. 8 MDG là chương trình đầy tham vọng trải dài suốt 15 năm, trong đó tất cả các nước thành viên LHQ hứa hẹn đẩy lùi đói nghèo, kiềm chế sự lây lan của HIV/AIDS và sốt rét, xóa mù chữ, chống bất bình đẳng giới…

Điểm xuất phát năm 2000

Mục tiêu 1: Triệt để loại trừ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu ăn

Trong các chiến dịch của LHQ, mục tiêu đầu tiên này luôn được nhắc tới thường xuyên. Thậm chí hội nghị thượng đỉnh trong tháng 9 năm nay cũng được đặt lại tên theo cách ngắn gọn: Hội nghị thượng đỉnh chống đói nghèo. Tuy nhiên, ngay từ đầu, những người hoài nghi không tin chắc có thể đạt được mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa số người sống trong cảnh cực đói nghèo tại các nước đang phát triển. Tham vọng hơn, LHQ còn bày tỏ ước nguyện đạt đến độ “đảm bảo việc làm và tạo cơ hội cho tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ và thanh niên đều tìm được việc làm phù hợp và hiệu quả”.

Học sinh Ấn Độ trong giờ học.

Học sinh Ấn Độ trong giờ học.

Mục tiêu 2: Phổ cập tiểu học

Nhờ sáng kiến của các nước, MDG 2 là một trong những mục tiêu của LHQ có tỷ lệ thành công cao với kết quả đáng khích lệ tại nhiều nước trên thế giới, cho dù chưa tới thời hạn 2015. MDG 2 đơn giản và cụ thể, nêu rõ “từ nay đến năm 2015, trẻ em trên khắp thế giới, trai cũng như gái, bằng mọi giá đều được tạo cơ hội hoàn thành chương trình tiểu học”.

Năm 2008, tỷ lệ phổ cập tiểu học ở các nước đang phát triển gần đạt 89% đi kèm với những tiến bộ đáng kể trong nhiều khu vực. Ngay cả khi tỷ lệ này ở khu vực châu Phi cận Sahara thuộc diện thấp nhất thế giới cũng đã tăng từ 56% (năm 1999) lên 76% (2008). Ở Nam Á và Bắc Phi cũng cải thiện nhiều. Theo UNESCO, có tới 100 triệu trẻ em không được đến trường năm 2000 và 72 triệu em năm 2007. Theo đà tiến bộ hiện nay, con số này sẽ giảm xuống 56 triệu em vào năm 2015. Tất cả các nước đạt tỷ lệ trẻ đến trường cao đều có điểm chung: Thực hiện chính sách đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Thậm chí có những nước (tiêu biểu là Ấn Độ) đã thay đổi Hiến pháp để trẻ em được hưởng giáo dục miễn phí và bắt buộc trẻ em gái tới trường giống bé trai, không phân biệt nguồn gốc xuất thân.

Mục tiêu 3: Chống bất bình đẳng giới

MDG khẳng định mọi công dân đều có những quyền lợi ngang nhau, lấp đầy khoảng cách giữa 2 giới nam-nữ trong mọi lĩnh vực, nhất là trong giáo dục, việc làm, các vị trí lãnh đạo và chính trị. Hiện bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, không riêng gì tại những nước đang phát triển. Bất bình đẳng giới thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục, nạn nhân là các bé gái xuất thân từ gia đình nghèo.

Trên thị trường lao động, ở những nước Nam Á, Tây Á hay Bắc Phi, phụ nữ chỉ chiếm có 20% trong tổng số người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nhưng ngay cả có việc làm, phụ nữ vẫn nhận được mức lương thấp hơn nam giới hoặc làm công việc tạm thời. Chỉ có 10% các chức danh lãnh đạo cao cấp hoặc trong các tổ chức chính trị là phụ nữ.

Mục tiêu 4: Giảm 60% tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong

Đáng tiếc, bất chấp nhiều nỗ lực đã thực hiện, mục tiêu này vẫn chưa chắc hoàn thành dù các chuyên gia đánh giá đó là mục tiêu đơn giản và dễ thực hiện. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 12,5 triệu trong năm 1990 xuống còn 8,2 triệu năm 2008.

Mục tiêu 5: Tập trung vào sức khỏe sinh sản

Mục tiêu này nhằm giảm 75% tỷ lệ phụ nữ chết khi mang thai hoặc trong lúc sinh nở. Tiến triển trong thực hiện quyền tiếp cận sức khỏe sinh sản, đặc biệt là kế hoạch hóa gia đình, hoàn toàn có thể đạt được vào năm 2015. Tuy nhiên, MDG 5 diễn ra không mấy khả quan. Vẫn còn hàng trăm ngàn phụ nữ chết khi mang thai hoặc trong lúc sinh nở. Cho dù các tổ chức phi chính phủ, tổ chức của LHQ luôn vận động, tuyên truyền nhưng vấn đề này vẫn bị đánh giá thấp và thiếu chính sách hiệu quả.

Mục tiêu 6: Phòng chống bệnh tật

Nhờ sự huy động chưa từng có, cuộc chiến chống bệnh tật thu được những tiến bộ nhất định. 5,2 triệu bệnh nhân đang được điều trị HIV/AIDS; tỷ lệ nhiễm bệnh giảm 22% tại 25 quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất. Đối với mục đích giảm tỷ lệ bệnh sốt rét, 150 triệu màn chống muỗi được phát ra trong năm 2009 (năm 2004 chỉ có 30 triệu màn). Số bệnh nhân lao giảm trên toàn thế giới, trừ khu vực cận Sahara, nơi phân nửa bệnh nhân chết vì lao trong năm 2008 mang virus HIV.

Mục tiêu 7: Phát triển bền vững

Mục tiêu này nhằm giải quyết những hệ quả của quá trình phát triển những năm gần đây, và có vẻ thiên về “xu hướng” hơn. Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu luôn là đề tài nóng hổi trong các chương trình nghị sự quốc tế. Ngoài những quy định, luật lệ bảo vệ môi trường, LHQ đã thêm vào MDG số 7 tiêu chí tiếp cận nguồn nước sạch, các dịch vụ vệ sinh cơ bản, giảm nhà ổ chuột.

Tất cả các tiêu chí trong MDG 7 đều là điểm báo động đỏ ở mọi quốc gia. Những nước như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ đã thành công trong nỗ lực cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường và đảo ngược tình thế nhờ những chương trình phù hợp. Nhưng trên phạm vi toàn thế giới vẫn có những thách thức. Hiện còn 884 triệu người không có nước sạch sử dụng và hơn 2,6 tỷ người không được hưởng những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Việc di dân, hiện tượng đô thị hóa cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng.

Mục tiêu 8: Quan hệ đối tác bình đẳng Bắc-Nam

Mục tiêu này nhắm đến các nước phương Bắc (nước phát triển). Với MDG 8, LHQ xác định 5 ưu tiên nhằm tiến tới một thế giới bình đẳng hơn, mang lại nhiều quyền lợi hơn cho các nước phương Nam (các nước đang phát triển). Bất chấp các thỏa thuận năm 2000 và sau đó là các hội nghị G8, G20 với những lời hứa trợ giúp hào phóng, mục tiêu tiến tới mối quan hệ đối tác bình đẳng trên toàn thế giới đối với các nước đang phát triển rất ít khả năng thực hiện được đến hạn năm 2015.

Và 10 năm sau

Trong 3 ngày, từ  20 đến 22-9, phiên họp của Đại hội đồng LHQ lần thứ 65 tại New York điểm lại 10 năm thực hiện các MDG với sự tham dự của ít nhất 189 quốc gia. Lần họp này để các nước cùng nhìn lại, đánh giá và tìm ra những hướng đi đúng hơn trước khi quá muộn.

Mối quan hệ giữa các quốc gia đang được củng cố hơn bao giờ hết và sự phát triển của toàn cầu hóa đã mang lại cơ hội tăng trưởng nhanh, mức sống tăng cao nhưng cũng nhiều thách thức. Đây cũng là lúc để các nước cùng các tổ chức quốc tế một lần nữa khẳng định sẽ thực hiện lời hứa cùng giúp nhau vượt khó, cùng chung sức gặt hái những thành tựu chung.

Lúc này, đời sống của người dân các nước thực sự rất khó có thể so sánh được. Một vài quốc gia có thể tiến tới phát triển ổn định, thịnh vượng và hưởng lợi lớn từ hợp tác quốc tế. Trong khi đó, những nước từng chìm trong đói nghèo suốt thời kỳ dài, bị chia cắt vì xung đột, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng thì giờ mới bắt đầu nghĩ tới tương lai tươi sáng hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nhân đạo. Hiện còn khoảng 1,1 tỷ người sống dưới mức 1 USD/ngày, 30% trong số đó là trẻ em. Ngay cả ở những quốc gia giàu, cứ 6 em thì có 1 em sống dưới mức nghèo khổ theo chuẩn đánh giá quốc gia. Mỗi năm, gần 11 triệu trẻ em (khoảng 29.000 em/ngày) chết trước khi tròn 5 tuổi. Hơn 500 triệu trẻ em trong số 884 triệu người không được sử dụng nước sạch; 140 triệu trẻ em tại các nước đang phát triển chưa bao giờ tới trường; khoảng 15 triệu em chết vì HIV/AIDS.

Nghiên cứu của Quỹ dân số LHQ (UNFPA) nhấn mạnh 3 vấn đề mà các nước chưa quan tâm đúng mức trong sức khỏe sinh sản là tỷ lệ sinh đẻ ở trẻ vị thành niên, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai và những nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình.

Ở hầu hết các nước khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi, rất ít phụ nữ, đặc biệt trẻ vị thành niên tiếp cận được những kiến thức về sức khỏe sinh sản. Tại khu vực Mỹ Latinh và Nam Á, tỷ lệ sinh sản ở trẻ vị thành niên vẫn rất cao ở hầu hết các nước chậm phát triển. Những hiểm họa liên quan đến sức khỏe sinh sản đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ vị thành niên mang thai trên toàn cầu.

Có thể nói, phần lớn các tiêu chí của cả 8 MDG đều chưa được hoàn thành cho tới thời điểm này, trong khi chỉ còn 5 năm nữa hết thời hạn. Đáng tiếc là những lời hứa viện trợ, giúp đỡ vẫn chưa được thực hiện đúng.

Theo bà Elisabeth Sandor, cố vấn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), viện trợ dành cho phát triển đã tăng nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn quá xa so với lời hứa. Châu Phi là nơi bị thiệt thòi nhất vì vẫn còn thiếu 16 tỷ USD trong số 25 tỷ USD dự kiến viện trợ cho châu lục trong năm 2010. Việc thiết lập hệ thống thương mại-tài chính bình đẳng cũng chưa thành công. Vòng đàm phán Doha rơi vào điểm chết. Không có cải thiện về hàng rào thuế quan; trợ cấp nông nghiệp ở các nước phát triển tiếp tục làm giảm giá thành và thu nhập của nông dân nghèo…

Tuy nhiên, những tiến bộ cũng đã được ghi nhận ở một vài quốc gia trong lĩnh vực xóa đói, y tế và giáo dục. Ví dụ, tỷ lệ nghèo đã giảm 10% trong vòng 10 năm. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh bắt đầu giảm sau một thời gian chững lại. Trong số những thành công đó, tỷ lệ trẻ em được tới trường, đặc biệt ở khu vực châu Phi và Đông Nam Á tăng đáng kể. Ở Kenya, sau khi chính sách miễn học phí ban hành vào năm 2007, số em tới trường tiểu học tăng thêm gần 2 triệu. Chính sách tương tự ở Burundi cũng giúp số học sinh đi học đạt gần 99% trong năm 2008.

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục