ĐB Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: VIẾT CHUNG |
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 30-8, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe các báo cáo và thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, một số nội dung tại dự thảo mới chỉ là dự kiến bước đầu xin ý kiến ĐBQH chuyên trách, các cơ quan chưa thống nhất được phương án tốt nhất. Nhiều nội dung vẫn đang được thiết kế 2 phương án.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nhận định, dự thảo luật trình hội nghị lần này đã thể hiện rõ sự thận trọng với tinh thần vấn đề nào đã rõ thì kết luận, vấn đề nào còn ý kiến khác thì phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm để có tính thuyết phục cao...
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM). Ảnh: VIẾT CHUNG |
Theo ĐB, việc sử dụng đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương; lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Cùng với đó, phải căn cứ vào thuộc tính của đất (vị trí và diện tích) để xác định mục đích sử dụng hiệu quả nhất, có lợi nhất đối với đất nước và địa phương.
Về phương pháp định giá đất, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị quy định trong luật về phương pháp xác định mức đền bù và chi phí đền bù.
“Giá đất là do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân nên không quy định trong luật, nhưng nguyên tắc đền bù thì phải quy định”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bày tỏ quan tâm đến các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) phân tích kỹ cả hai phương án nêu tại dự thảo và thẳng thắn cho rằng “cả hai đều chưa đảm bảo chặt chẽ”.
Theo ông Long, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đã từng được tranh luận rất quyết liệt tại hội trường kỳ họp thứ 5. ĐB cho rằng dự thảo nên quy định theo hướng: chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, khi thu hồi đất quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội thì phải có sự cân nhắc rất kỹ, quy định như dự thảo mới “chỉ thỏa mãn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mục tiêu khai thác triệt để chênh lệch địa tô vẫn chưa làm được”.
ĐB Đinh Thị Phương Lan (tỉnh Quảng Ngãi) |
Góp ý về tài chính đất đai, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nhận định, dự thảo luật đã cụ thể thêm một bước quy định về các phương pháp áp dụng định giá đất bao gồm: phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất, bao gồm mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá theo thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất. Luật cần tiếp tục các quy định liên quan công cụ quản lý nhà nước như kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất, điều tiết hạn mức sử dụng đất, giá đất để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền của người dân về đất đai theo quy định của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, ĐB Phương Lan cũng đề nghị rà soát tính phù hợp các nội dung về tập trung tích tụ đất nông nghiệp như quy định tại Điều 192 về phương pháp tập trung đất nông nghiệp là hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất vì có thể hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất cho nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh quyền sử dụng đất hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản nông nghiệp.
Tương tự, tại Điều 193 về tích tụ đất nông nghiệp, đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương, chính sách tập trung tích tụ đất nông nghiệp cho mục đích khác.
Quang cảnh phiên họp |
ĐB Lò Thị Luyến (tỉnh Điện Biên) góp ý về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo ĐB, cần quy định rõ trong luật về vấn đề này, thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo tương thích với các luật khác và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.
ĐB phản ánh, tại Điểm b - Khoản 1 - Điều 158 - Luật Đất đai hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha. Luật Lâm nghiệp quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới… dưới 20ha; song quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.
Như vậy, theo dự thảo trình lần này, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và HĐND, trong khi đó chưa có luật nào quy định rõ ràng.
ĐB cho rằng quy định vậy sẽ gây khó khăn chồng chất cho địa phương. Vì vậy, biên tập, sửa đổi Điều 122 của dự thảo luật; đồng thời với thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.