Người trẻ ngại sinh
Mặc dù có đứa con gái đã hơn 7 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) quyết định không sinh thêm đứa thứ hai bởi áp lực kinh tế. Chồng chị làm kế toán cho một công ty nhà nước, còn chị là giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận.
Điều kiện kinh tế eo hẹp, hai vợ chồng lại vừa quyết định mua trả góp một căn hộ chung cư, do vậy nếu sinh thêm con, chị Lan sợ “gánh” không nổi. Chị Lan tâm sự: “Giờ mới chỉ có một đứa mà tháng nào cũng phải lo xoay xở muốn hụt hơi để đóng tiền học cho con, trả tiền góp mua nhà, tiền ăn uống của cả nhà, rồi lễ tết lại đôn đáo về thăm ông bà ở quê... Giờ cái gì cũng tiền, thêm một đứa nữa thì làm sao đủ sống”.
Còn với chị Nguyễn Thị Thủy (quận Thủ Đức), áp lực không chỉ là đủ sống, mà là phải sống sao cho đàng hoàng, tử tế. Bao nhiêu tiền bạc làm ra, chị dành để đầu tư hết cho con gái học trường quốc tế, học thêm ngoại ngữ, năng khiếu, với mong muốn tương lai của con mình sẽ tốt đẹp hơn và biết nhiều hơn. “Một đứa mà mình nuôi dưỡng tốt, chăm sóc tốt còn hơn là chia cái tốt nhất đó cho 2 đứa, mỗi đứa chỉ được hưởng một nửa. Do đó, việc sinh thêm đứa con thứ hai là điều mà tôi chưa từng nghĩ tới”, chị Thủy cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mức sinh thay thế của thành phố từ năm từ năm 2000 đến nay liên tục sụt giảm. Nếu như năm 2000 là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đến năm 2008 chỉ còn 1,63 con, đến năm 2018 là 1,33 con và trở thành địa phương có mức sinh thay thế thấp nhất cả nước.
Chỉ ra các nguyên nhân làm mức sinh giảm, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng do áp lực cuộc sống và công việc đã làm tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí… Tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định ảnh hưởng đến mức sinh thấp của thành phố.
Cần có chính sách khuyến sinh
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, vấn đề mức sinh thấp sẽ gây ra bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai. Tình trạng già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi (như: lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp an sinh xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…). Sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
“Kinh nghiệm tại các quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy, một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh, mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn, nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến sinh nhưng hầu như không thành công, tổng tỷ suất sinh của các quốc gia này đều không vượt qua mức 1,3 con”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết. |
Đề xuất một số biện pháp khuyến khích sinh, bà Mỹ Lệ cho rằng dân số có ý nghĩa và tác động quan trọng trong sự phát triển mọi mặt của thành phố. Việc xây dựng các chính sách về dân số thật sự phù hợp luôn đi kèm với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp, nhằm đảm bảo sự phát triển giống nòi và tận dụng tối đa nguồn nhân lực.
Để giải quyết thực trạng mức sinh thấp ở TPHCM, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả ban ngành, đoàn thể trên cơ sở đề xuất thực hiện các giải pháp cụ thể, như: hỗ trợ miễn giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ 2 đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TPHCM; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TPHCM; miễn giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi…
“Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm lại quá trình già hóa dân số”, bà Mỹ Lệ nhấn mạnh.