Mức sinh ở Việt Nam giảm chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, Bộ Y tế khuyến khích sinh

Mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022; tới năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn khá nhiều mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Mức sinh ở Việt Nam giảm chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, Bộ Y tế khuyến khích sinh

Ngày 27-12, tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác dân số năm 2025 do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm với tốc độ nhanh chóng.

Theo đó, mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022; tới năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn khá nhiều mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

“Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết. Cùng với đó, mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, ước năm 2024 là 112 bé trai/100 bé gái.

333.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị

Trong khi đó, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, trong 2 thập kỷ qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Năm 2024, phụ nữ vùng thành thị chỉ sinh 1,67 con, tiếp tục giảm so với năm 2023 (1,7 con/phụ nữ). Trong khi đó, tại khu vực nông thôn mức sinh ở đây luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ nhưng năm 2023, lần đầu tiên với mức sinh giảm xuống còn 2,07 con và năm 2024, mức sinh của phụ nữ nông thôn là 2,08 con.

Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì mức sinh xuống thấp sẽ càng lan rộng, tác động trực tiếp tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, đáng lo nhất chính là thiếu hụt nguồn lực lượng lao động, trong khi tốc độ già hóa dân số nhanh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó là những áp lực cho hệ thống an sinh xã hội và chi phí cao để chăm sóc người cao tuổi.

Trước tình trạng trên, nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới, trong dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo có đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên, song song với việc thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng đủ 2 con; hỗ trợ người lao động sinh con, có con nhỏ, để các gia đình, nhất là ở vùng mức sinh thấp không sợ sinh con.

Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đang có các cơ chế, chính sách khuyến sinh nhằm kéo mức sinh lên mức sinh thay thế ở mức bền vững, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dân số và tận dụng hiệu quả thời kỳ “dân số vàng” nhằm giảm áp lực cho sự phát triển của đất nước và an sinh xã hội.

Tuy nhiên theo các chuyên gia dân số, những thay đổi về mức sinh chịu ảnh hưởng lớn từ sự lựa chọn sinh sản và bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế - xã hội nên để giải quyết các vấn đề dân số cần cân nhắc ưu tiên đầu tư hiệu quả hơn về con người, kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục