Trong suốt 3 năm gần đây, tình hình tài nguyên nước mặt trên đảo Lý Sơn có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay trên đảo Lý Sơn chỉ có hồ chứa nước Thới Lới, dung tích trên 270.000m3, là nguồn nước mặt duy nhất sử dụng tưới tiêu nông nghiệp vào mùa khô, khả năng tưới của hồ phục vụ khoảng 60ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của huyện đảo Lý Sơn dành trồng hành, tỏi đã lên khoảng 300ha. Để có nguồn nước tưới cho 300ha này, nông dân trên đảo Lý Sơn phải khoan giếng để lấy nước. Số lượng giếng khoan đến nay cũng hơn 2.000 cái. Tuy nhiên, trữ lượng nước ngọt các giếng đã suy giảm do tình trạng khai thác quá mức và xâm nhập mặn.
Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước ở đảo Lý Sơn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, nước chứa trong tầng bazan trên đảo đã và đang bị xâm nhập mặn. Hiện tượng xâm nhập mặn nước dưới đất không chỉ xảy ra theo phương ngang mà còn xuất hiện theo chiều sâu. Theo phương ngang, ranh giới xâm nhập mặn đang có khuynh hướng lấn sâu vào đất liền ở khu vực Tây Nam, Đông Nam và phía Bắc đảo. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chiều sâu gặp nước bị nhiễm mặn cũng nông hơn so với trước đây.
Ông Nguyễn Biện Như Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: “So với kết quả quan trắc 6 giếng khoan của chương trình khai thác tìm kiếm nước dưới đất vào năm 2016, thì đến hiện nay mực nước tiếp tục giảm xuống khoảng 5m và nước mặn đã lấn sâu. Khoan từ 30 - 35m đã gặp nước nhiễm mặn. Tương tự, trong kết quả tại thời điểm năm 1998, một số lỗ khoan ở vùng trung tâm đảo gặp nước mặn ở độ sâu 40 - 45m thì hiện nay chiều sâu gặp nước bị nhiễm mặn chỉ từ 30 - 35m. Các kết quả đều thể hiện hiện tượng nhiễm mặn”.
Đặc điểm nước dưới đất trên đảo Lý Sơn tàng trữ chủ yếu trong thành tạo phun trào bazan, diện phân bố hầu hết diện tích đảo. Tầng nước ở đảo Lý Sơn cấu thành phía trên là lớp cát, phía dưới là tầng bazan, do vậy, khả năng thẩm thấu nước ở tầng cát là rất lớn. Vì vậy, khi mực nước ngọt giảm, nước mặn tràn vô, dẫn đến xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Biện Như Sơn cho biết thêm, vào tháng 3, tháng 4 những năm trước thì nước vẫn chưa có vị mặn nhưng năm nay thì nhiều giếng đã xuất hiện tình trạng nhiễm mặn. Hiện tượng nước dưới đất bị nhiễm mặn xảy ra do nhiều tác động, nhưng nguyên nhân trước tiên là do khai thác nước dưới đất quá mức, thiếu kiểm soát. Nước dưới đất bị khai thác quá mức dẫn đến nguồn nước bị cạn kiệt, tạo điều kiện cho nước biển mặn lấn sâu vào đất liền và dẫn đến nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn nước trên mặt do bị lôi kéo vào tầng chứa nước.
Để kiểm soát trữ lượng nước, chất lượng nước đảo Lý Sơn, qua đó có những giải pháp thiết thực, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cùng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung đã thực hiện khoan giếng, lắp đặt thiết bị phục vụ quan trắc, kiểm soát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn đảo Lý Sơn. Dự án thực hiện từ năm 2018-2019, hiện đã khoan 22 giếng, trong đó có 6 giếng cũ của chương trình khai thác tìm kiếm nước dưới đất năm 2016 được bảo dưỡng và tiến hành lấy mẫu. Các mẫu được lấy theo 2 đợt vào mùa mưa và mùa khô, đến cuối tháng 4-2019 sẽ hoàn thành công tác lấy mẫu mùa khô và có kết quả về trữ lượng nước, chất lượng nước trên đảo. Khi xác định được các thông tin này, sẽ có đánh giá và định hướng cho sử dụng nguồn nước trên đảo Lý Sơn.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho hay: “Để đảm bảo lượng nước tưới cho nông dân khi vào vụ hành, tỏi thì các giải pháp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đậu, bắp… sang những cây trồng ít tưới nước. UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành yêu cầu người dân không khoan thêm giếng và tận dụng các giếng còn nước để sử dụng kết hợp tưới tiết kiệm”.