Mực nước các sông ở miền Bắc tiếp tục giảm

Trong ngày 12-9, TP Hà Nội trời quang, không còn mưa, sinh hoạt của người dân thủ đô bớt khó khăn hơn những ngày trước. Tuy vậy, tại một số điểm trũng của thành phố, nước lũ vẫn đọng sâu.

Nước sông Hồng đang giảm
Nước sông Hồng đang giảm

Chiều 12-9, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ cho biết, mực nước thực đo lúc 12 giờ trưa cùng ngày trên sông Hồng, đoạn quận Long Biên (Hà Nội) ở mức 11,08m (dưới báo động lũ cấp 3 là 0,42m, giảm 12cm so với lúc 7 giờ). Mực nước trên sông Đuống tại quận Long Biên (Hà Nội) là 10,43m (trên báo động lũ cấp 2 là 0,43m, giảm 13cm so với lúc 7 giờ sáng). Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TP Hà Nội) đã căn cứ vào mực nước sông Hồng để lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh. Dự báo, mực nước các sông Hồng, sông Đuống sẽ còn tiếp tục giảm.

Tuy nước sông Hồng có giảm nhưng vẫn ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận, huyện, thị xã Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh… Một số phường nội đô, giáp với sông Hồng tiếp tục thực hiện di dời người dân để đảm bảo an toàn.

Sáng cùng ngày, chính quyền phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) di dời toàn bộ 250 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu đến nơi an toàn. Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng Trần Nam Sơn cho biết, nước sông Hồng dâng cao vẫn tiềm ẩn bất thường nên các lực lượng chức năng của phường đã chủ động các phương án di dời người dân.

Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tính từ ngày 10-9 trở lại đây đã di dời hơn 6.000 người của các phường Chương Dương và Phúc Tân tới vùng an toàn. Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, những ngày qua quận đã huy động tất cả các lực lượng trên địa bàn để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, nhất là người cao tuổi, người yếu thế. Cũng tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, việc di dời người dân là tình huống trước mắt, còn về sau cần phải tính đến vấn đề dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn phòng chống dịch. Về tình hình lũ trên sông Hồng, ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho biết, mặc dù nước đang giảm nhưng rất chậm. Do đó, với các vùng sát sông trong vùng báo động chưa nên đưa người dân về ở ngay...

Trong ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại “rốn lũ” - xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.

Xã Nam Phương Tiến là một trong những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ của TP Hà Nội với 3.350m chiều dài kênh mương bị hư hỏng, 18.000m đường giao thông nội đồng bị ngập. Theo chính quyền địa phương, những ngày qua đã có hơn 870 hộ gia đình bị ngập với hơn 4.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP Hà Nội triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu và các đoạn đê có nguy cơ xảy ra đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt; các cống cũ hư hỏng xuống cấp; khẩn trương xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều để bảo đảm an toàn hệ thống đê. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề nghị thành phố triển khai ngay các biện pháp an toàn cho người dân sống ngoài bãi sông, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về việc ứng phó với mưa lũ và giúp các hộ dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra.

Tin cùng chuyên mục