Có thể nói, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập là kỳ thi căng thẳng nhất trong các kỳ thi ở bậc phổ thông. Từ đắn đo khi đăng ký chọn nguyện vọng, áp lực tham gia một kỳ thi biết trước chỉ có 70% thí sinh trúng tuyển. Sau khi biết điểm thi thì hồi hộp chờ công bố điểm chuẩn. Nếu chẳng may rớt cả 3 nguyện vọng lớp 10 công lập, thí sinh tiếp tục chờ xét tuyển bổ sung đợt 2.
Nhìn lại kết quả kỳ thi vừa được công bố, ngoài những mặt tích cực như phổ điểm môn tiếng Anh được nhiều giáo viên đánh giá “đẹp” hơn năm ngoái; tỷ lệ bài thi dưới trung bình môn Ngữ văn giảm so với năm ngoái, thì phổ điểm môn Toán khiến dư luận lo lắng do tỷ lệ bài thi dưới trung bình tăng hơn 10% so với năm ngoái. Cùng với đó, 2 môn Ngữ văn và Ngoại ngữ dù có điểm bình quân khá cao nhưng vẫn xuất hiện 56 bài thi dưới 1 điểm.
Khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập là cuộc đua giành suất học và sẽ quyết định loại hình trường lớp học sinh sẽ học ở cấp THPT nên tính cạnh tranh cao hơn. Ở cả 3 môn thi, dù đề ra có mức độ phân hóa khác nhau nhưng đều xây dựng “ma trận” đầy đủ 4 cấp độ, gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Như vậy, nếu học sinh học hành nghiêm túc, xác định mục tiêu rõ ràng khi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì sẽ làm được các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, với điểm số tối thiểu từ 3-5 điểm, tùy môn thi.
Ở góc độ khác, kỳ thi cũng đặt ra câu hỏi về định hướng của một kỳ thi tuyển sinh. Nếu cho rằng thi tuyển sinh là phải phân loại được thí sinh thì mức độ phân hóa nên đồng đều giữa các môn thi, tránh tình trạng môn này dễ, môn kia khó, tạo sự hụt hẫng, thậm chí khó hiểu cho phụ huynh, học sinh. Từ trước đến nay, dư luận thường so sánh phổ điểm thi năm nay so với năm ngoái ở mỗi môn thi. Song một sự đánh giá toàn diện phổ điểm 3 môn thi trong cùng năm học để rà soát công tác dạy học ở các trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, ngoài việc thống kê điểm theo môn thi, cần thêm đánh giá theo khu vực ngoại thành, nội thành để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp đặc thù của khu vực.