Điểm lại những chính sách đã được thực thi, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, doanh nghiệp đã được gia hạn 4-5 tháng nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tiền hưu trí, tử tuất...
“Một số loại phí khác thuộc lĩnh vực chứng khoán, phí thanh toán không dùng tiền mặt… được miễn, nhưng khoản này không đáng kể. Còn đối với các loại thuế, thì có kinh doanh, có doanh thu mới phát sinh khoản nộp; riêng tiền thuê đất, thì không kinh doanh vẫn phải nộp”, ông Cung phân tích và đề nghị, để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thì cần giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với những doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo quyết định, hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm) phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ khuyến nghị nêu trên được tính toán trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện qua các chỉ số thống kê.
Lưu ý rằng hàng không là ngành đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề từ đại dịch và những khó khăn vẫn còn chưa biết bao giờ mới chấm dứt, chuyên gia này cũng khuyến nghị miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; đồng thời giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020…
Về phía Quốc hội, chuyên gia này hy vọng, tại kỳ họp này (đợt họp tập trung của kỳ họp đã bắt đầu từ ngày 8-6 và dự kiến bế mạc ngày 18-6), cơ quan lập pháp có thể xem xét, áp dụng một số giải pháp thiết thực như quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020.
Bên cạnh giải pháp đã được Chính phủ đề xuất là giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, TS Cung cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội…
“Mặc dù định hướng chính sách là phù hợp; nhưng mức độ hỗ trợ vẫn còn quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp; so với mức hỗ trợ của chính phủ các nước cho doanh nghiệp của họ. Miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí quá ít, hầu như chưa có, chưa kịp thời và nhất là một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế”, TS Cung thẳng thắn.
Ngoài những hỗ trợ bằng tiền, việc cải thiện quy trình ra quyết định là một yêu cầu rất bức thiết nhằm nhanh chóng khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới. Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý có hiệu quả hoạt động thanh toán, thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng; ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư nước ngoài lách luật (góp vốn dưới 51% để không phải làm thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án có tài sản là đất đai); trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… là những khuyến nghị quan trọng khác được gửi đến các cơ quan xây dựng và ban hành pháp luật.