Tổng quan hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam từ năm 2011 -2020 được Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố sáng nay 14-4 cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011- 2016. Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) gốc thường niên dao động từ 0,1% - 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Về trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, tần suất tiếp xúc giữa công dân và chính quyền ở cấp thôn, tổ dân phố và với Hội đồng nhân dân cấp xã năm 2020 cao hơn so với năm 2019. Những nỗ lực đó có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Một số nghiên cứu trước và phân tích trong báo cáo này cho thấy giữa quản trị tốt và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh có mối tương quan tích cực với nhau.
“Hiệu quả huy động người dân tham gia vào quản trị công ở địa phương cứ tăng lên một điểm thì mức độ sẵn sàng tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc nhằm ứng phó với Covid-19 hồi tháng 4-2020 tăng lên 3,1 điểm phần trăm, và hiệu quả kiểm soát tham nhũng cứ tăng lên một điểm phần trăm thì mức độ tuân thủ với biện pháp mạnh này tăng lên 1,5 điểm phần trăm”, báo cáo nêu rõ.
Với hiệu quả quản trị công càng cao, Việt Nam sẽ ứng phó tốt với những tình huống khủng hoảng ngoài dự đoán như đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế sau khủng hoảng.
Mặc dù vậy, báo cáo PAPI 2020 cũng chỉ ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự chú ý và giải quyết của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương là một vấn đề cần củng cố. Sự tham gia quản trị địa phương của các nhóm dân cư là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn hạn chế.
Dành khá nhiều dung lượng bàn về tác động của đại dịch tới người dân, báo cáo nêu nhận định: mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18% (mức thấp nhất kể từ năm 2015). Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỷ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, và tỷ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020.
Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong ba năm qua.
Lần đầu tiên sau 10 năm, tỷ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.